Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 24-08-2020 - 02:14
Tuần qua, liên tục những tin vui cho giao thông đồng bằng liên quan việc quyết định chủ trương, bố trí vốn, khởi công và chạy nước rút của các công trình giao thông trọng điểm ở miền Tây thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo nhiều kỳ vọng cho người dân.
Cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó gần 3.400 tỉ đồng vốn từ ngân sách. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2023, kết nối hai tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện hữu, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ thành trục xương sống TP HCM - Cần Thơ.
Trước đó là thông tin về 2 tuyến cao tốc hơn 67.400 tỉ đồng đã được lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu năm 2020. Đó là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về nguyên tắc việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển Đông, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải xác định nguồn vốn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 130 km, vốn dự kiến hơn 47.000 tỉ đồng cũng được cho chủ trương xây dựng bằng vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý chủ trương vay vốn ODA Hàn Quốc xây tuyến đường Mỹ An - Cao Lãnh, tổng mức đầu tư ước hơn 4.524 tỉ đồng. Điểm đầu tuyến nối với đường N2, điểm cuối tiếp giáp cầu Cao Lãnh. Tuyến đường dài hơn 26 km, mở ra giai đoạn sau nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống sang Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang), tạo thành trục dọc tuyến cao tốc huyết mạch TP HCM - các tỉnh Tây Nam Bộ. Hiện tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51 km, tổng vốn hơn 6.300 tỉ đồng sắp hoàn thành. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, sau hơn 10 năm khởi công, đình hoãn, thi công lại, dự kiến sẽ hoàn thành đầu năm sau. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, kinh phí hơn 4.800 tỉ đồng, dự kiến cũng được khởi công trong năm.
Không những là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản, miền Tây còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 933.000 tỉ đồng, đóng góp 12,08% cho GDP quốc gia; nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước. Trong khi tất cả các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 thì xuất khẩu gạo và tôm của ĐBSCL vẫn là điểm sáng nằm trong 6 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước, đạt trên 1 tỉ USD. Không gian kinh tế vùng này kết nối với miền Đông Nam Bộ đã tạo ra hơn 60% GDP, góp khoảng 70% túi tiền quốc gia.
Nhưng cũng có ý kiến "chưa vội mừng trước tin vui" không phải không có lý. Từ nhiều năm qua, hạ tầng giao thông luôn là điểm nghẽn phát triển đồng bằng. Ba nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công công trình chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ. Vùng này vẫn đang đói đường cao tốc, khát đường giao thông. Trong khi cả nước có hơn 1.000 km đường cao tốc thì ĐBSCL chỉ có hơn 40 km đường cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện hữu. Chưa giải quyết được điều đó thì vùng trọng điểm nông nghiệp miền Tây vẫn đi trên "những đôi chân rùa bò".
Hơn 10 năm qua, cả 2 công trình cao tốc huyết mạch của miền Tây nối vào cánh cửa phía Tây là tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận và phía Đông là cao tốc Bến Lức - Long Thành đều gặp trắc trở.
Xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng, nhưng quyết tâm và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn chính là mệnh lệnh phát triển. Phải tìm ra lời giải cho bài toán khó giao thông bằng huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên, bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình và kết nối các phương thức giao thông. Đó cũng chính là việc khơi thông mạch máu phát triển đồng bằng cho giai đoạn mới.
Nhận xét
Đăng nhận xét