Báo Phụ nữ TPHCM - 03/07/2023 - 06:24
PNO - Việc quy hoạch,
đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt
trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn.
Sạt lở đang diễn ra khắp nơi và ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo báo cáo tham
vấn của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Tổng cục
Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm
2021, vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 621 điểm sạt lở bờ sông với tổng
chiều dài khoảng 610km.
Ngoài ra, còn có những
đoạn sạt lở bờ biển. Ước tính, mỗi năm, vùng này có khoảng 500ha đất bị cuốn
trôi, tương đương diện tích một xã.
Không chỉ trong mùa mưa, sạt lở còn xảy ra trong mùa khô. Đây là hệ quả của sự
tác động vào hệ thống sông ở khắp nơi, từ thượng nguồn sông với các đập thủy
điện tích nước vào mùa kiệt, xả nước vào mùa mưa, hay các dự án lấy nước dòng
chính để phục vụ các lợi ích kinh tế khiến đồng bằng sông Cửu Long ngày càng
cạn kiệt phù sa.
Cùng với những tác động
tiêu cực xuyên biên giới, còn có những bất cập nội vùng đồng bằng với hệ thống
đê bao cục bộ, với các hoạt động kinh tế, canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy
sản lạm dụng tài nguyên nước, với sự phá vỡ các “túi trữ nước tự nhiên” như
Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên bằng nhiều đê bao cục bộ.
Thêm vào đó là nạn khai
thác cát bất chấp cùng việc khai thác nước ngầm quá mức tạo ra các “mành lưới”
trong lòng đất, gây sụt lún. Tốc độ sụt lún trung bình ở đồng bằng sông Cửu
Long đã hơn 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển
dâng.
Những tác động bên
trong, bên ngoài đó tích lũy liên hoàn, tạo ra tình trạng “sông khát, nước
đói”. Hệ quả là liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng ở khắp nơi. Khi
sạt lở diễn ra trên diện rộng, làm mất cân bằng hệ thống thì không thể chỉ xử
lý riêng lẻ từng vụ, từng địa phương mà cần nhận diện hệ thống với sự tiếp cận
đa ngành, trong đó chìa khóa là “cân bằng nước”. Không thể chỉ trông cậy vào
các giải pháp tạm thời kiểu “sạt lở đến đâu, di dời đến đó” mà cần tích cực,
chủ động ứng phó.
Nghị quyết 120/NQ-CP của
Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long và
chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết này đã xác định nhiệm
vụ trọng tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương là ưu tiên
giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất trong vùng; triển khai
quy hoạch, thiết kế các dự án quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo một cách bền
vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề là cần tổ chức thực
hiện hiệu quả chương trình hành động này.
Bên cạnh việc ứng phó
khẩn cấp với tình huống thiên tai do sạt lở, như phải di dời, đảm bảo an toàn
tính mạng, tài sản người dân thì cần có các giải pháp căn cơ trong thế chủ
động, khắc phục nguyên nhân. Cần vẽ bản đồ sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long kèm
theo các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài, mạnh tay dẹp nạn trộm cát.
Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản
xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó
dài hạn.
Tình trạng sạt lở nghiêm
trọng ở đồng bằng sông Cửu Long cần được giải quyết ngay từ các vấn đề nội tại
của vùng, nhưng cũng rất cần được trợ lực bằng các định chế quốc tế như nâng
cao vai trò thực chất và hiệu quả hoạt động của Ủy hội sông Mê Kông, kèm theo
các giải pháp tăng cường ngoại giao, hợp tác song phương và đa phương để giảm
thiểu các tác động tiêu cực liên quan đến tài nguyên nước sông Mê Kông.
https://www.phunuonline.com.vn/khong-the-cu-sat-lo-den-dau-di-doi-den-do-a1495451.html
Nhận xét
Đăng nhận xét