Báo Phụ nữ TPHCM - 24/07/2023 - 07:18
PNO -
Cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chăn
nuôi chim yến; đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với ngành
chăn nuôi đặc thù này.
Ngày 30/6/2023, Thủ
tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển
khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép chim yến, quản lý
việc nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.
Nghề nuôi yến phát triển
rất nhanh, có ở 42/63 tỉnh, thành. Từ 8.300 nhà yến vào năm 2017, đến nay, cả
nước có hơn 24.000 nhà yến, sản lượng 120-150 tấn/năm, mang lại giá trị hơn 500
triệu USD/năm. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành), Đông
Nam Bộ (6 tỉnh, thành), Nam Trung Bộ (8 tỉnh) và Tây Nguyên (5 tỉnh) có nhà
nuôi chim yến. Nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long với gần 11.000 nhà
yến, chiếm khoảng 45% và kế đến là vùng Nam Trung Bộ với khoảng 6.000 nhà yến,
chiếm hơn 25%.
Cùng với chế biến, kinh
doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ chim yến, nghề nuôi chim yến đã và đang tạo
nhiều công ăn việc làm, nguồn thu nhập lớn cho người dân. Việt Nam là 1 trong 4
nước được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến.
Tuy nhiên, công tác quản
lý việc nuôi chim yến đang tồn tại nhiều bất cập, rõ nhất là phát triển không
có quy hoạch, nhà yến xen lẫn trong khu dân cư, gây nhiều hệ lụy về trật tự, an
toàn, phòng chống dịch bệnh. Nhà yến tăng nhanh một cách tự phát, bất chấp quy
định của pháp luật về chăn nuôi. Tình trạng săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt
xảy ra ở nhiều địa phương làm suy giảm đàn chim yến, gây bức xúc trong dư luận.
Việc sơ chế, chế biến các sản phẩm từ tổ yến chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp
ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Để phát triển bền vững
ngành kinh tế triệu đô này, đồng thời đóng góp tích cực vào việc tạo việc làm,
thu nhập cho người dân, các ngành chức năng và địa phương cần triển khai biện
pháp khẩn trương, có hiệu quả trong việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt
chim yến trái phép; quyết định vùng nuôi chim yến; quản lý và truy xuất nguồn
gốc, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính
sách và quy định trong quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ tổ yến;
ban hành các tiêu chuẩn liên quan, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở chăn
nuôi; chủ động nghiên cứu thị trường các nước, thúc đẩy giới thiệu, quảng bá
các sản phẩm tổ yến thông qua các hoạt động, chương trình xúc tiến thương
mại.
Các cơ quan chức năng
cần quan tâm xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam, phát huy vai trò chủ động
của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu các sản
phẩm yến Việt. Cần tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết trong ngành yến, quản lý
theo mã định danh của nhà yến uy tín bằng phần mềm chuyên dụng, cấp mã số cơ sở
nuôi yến, tăng cường xuất khẩu chính ngạch.
Ngành kinh tế triệu đô
này có khả năng nâng tầm lên tỉ đô, với điều kiện phải triển khai đồng bộ các
giải pháp. Cần hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi, bao gồm chính
sách đất đai, tài chính và tín dụng, chính sách thương mại, khuyến nông và
thông tin tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần đổi mới việc tổ chức sản xuất theo
hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó
phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh
nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chăn nuôi chim
yến; đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với ngành chăn nuôi đặc
thù này.
https://www.phunuonline.com.vn/tang-luc-cho-nganh-kinh-te-nhieu-tiem-nang-a1497089.html
Nhận xét
Đăng nhận xét