Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 18-06-2023
- 08:59|Góc nhìn
Sau 12 năm quy hoạch và một năm khẩn trương triển khai nghị
quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 - TP HCM, hôm
nay, 18-6, dự án chính thức được khởi công.
Đây là dự án giao thông lớn nhất phía Nam với tổng mức đầu
tư gần 76.000 tỉ đồng, đi qua 4 địa phương: TP HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai
và Long An. Tuyến đường có ý nghĩa chiến lược trong mạng lưới giao thông liên
vùng, kết nối Đông - Tây Nam Bộ và góp phần phát huy vai trò trung tâm động lực
phát triển của TP HCM.
Cùng ngày, 2 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với tổng mức đầu tư khoảng 44.000 tỉ đồng cũng đồng loạt khởi công. Trước đó, 4 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 44.691 tỉ đồng thuộc tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên của ĐBSCL là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã cùng lúc khởi công tại 4 địa phương: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang cũng được khởi công vào cuối tháng 6-2023...
Tầm nhìn cao tốc
Từ đầu nhiệm kỳ này, đến nay cả nước đã hoàn thành, đưa vào
khai thác 566 km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc lên 1.729
km. Đáng chú ý, hàng loạt tuyến cao tốc phía Nam được hoàn thành và khởi công
đang góp phần vẽ lại bản đồ giao thông ở phía Nam nhờ ý nghĩa quan trọng trong
việc tháo các điểm nghẽn, tạo xung lực, mở ra không gian phát triển mới.
Điểm mới của các dự án này là bố trí lồng ghép những nguồn
vốn đầu tư, bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương nơi có dự án
đi qua và các nguồn huy động khác. Đặc thù của những dự án giao thông trọng
điểm là triển khai tập trung trong thời gian ngắn, trên địa bàn rộng trong khi
vật giá tăng đột biến khiến tổng mức đầu tư có thể bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, độ
trễ chính sách, năng lực hấp thụ vốn, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm...
đòi hỏi cần tăng cường sự phối hợp giữa trung ương và địa phương nhằm bảo đảm
tính khả thi, hiệu quả; khắc phục tình trạng quyết định đầu tư nhanh nhưng triển
khai chậm, kéo dài, gây lãng phí.
Việc phát triển các
tuyến giao thông đường bộ, trong đó có đường cao tốc, phải gắn với yêu cầu phát
triển hạ tầng logistics và kết nối với những công trình đầu tư - phát triển
khác của vùng và các địa phương. Cần phát huy các không gian phát triển mới được
tạo ra từ những dự án giao thông này song song với việc thực hiện Nghị quyết
31/2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP HCM; Nghị quyết 13/2022 của Bộ Chính
trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh
vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng các nghị quyết của Quốc
hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và TP Cần Thơ.
Để vẽ lại bản đồ
giao thông phía Nam, đòi hỏi các cơ quan trung ương và địa phương nơi có công
trình đi qua cần tập trung cao độ nhằm thực hiện giải phóng mặt bằng, bảo đảm
nguồn cung vật liệu, hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, đường gom... Ngoài
ra, cần xây dựng bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành, khai
thác chuyên nghiệp theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại...
https://nld.com.vn/goc-nhin/mo-ra-khong-gian-phat-trien-moi-20230617224452366.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét