Báo Pháp luật TPHCM - 04/05/2023 | 05:31
CHÂU ANH - THU TRINH
(PLO)- Những TP sôi
động về thương mại, du lịch thì kinh tế ban đêm phát triển, bởi họ tận dụng sự
chênh lệch múi giờ, các gói du lịch bản địa… để thu hút du khách tham gia các
hoạt động kinh tế ban đêm.
Vừa
qua, câu chuyện chủ tịch tỉnh Bạc Liêu - người đứng đầu của một địa phương nói
lên những bất cập về vấn đề phát triển kinh tế ban đêm của địa phương này đã
gây ra nhiều dư luận trái chiều.
Theo
các chuyên gia, thực tế chuyện như Bạc Liêu không phải là cá biệt mà đâu đó đã
có ở các địa phương khác.
Vi phạm quy định pháp luật thì phải bị xử lý, nhất là trong vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo sự an toàn cho không gian phát triển du lịch, thu hút du khách ban đêm mà không tạo ra sự khó chịu, bức xức thì đòi hỏi phải có cách làm phù hợp.
“TP ngủ chứ không phải là TP thức”
Theo TS Trần Hữu Hiệp,
chuyên gia kinh tế ĐBSCL, Chính phủ đã có đề án phát triển kinh tế ban đêm, có
quy hoạch, có ưu đãi vốn và đã có độ mở khi cho phép các địa phương thí điểm
kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau
tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi
ro. Tuy nhiên, vấn đề là các địa phương tổ chức như thế nào? Như câu chuyện Bạc
Liêu hoạt động chỉ đến 22-23 giờ thì không phải là kinh tế ban đêm.
Với ĐBSCL, dư địa phát
triển kinh tế ban đêm là rất lớn. Ví dụ, khai thác chợ nổi vào ban đêm hoặc
cách đây không lâu ở Cần Thơ có những tour ngắm bình minh trên sông Hậu, tham
quan vườn đom đóm ở An Bình, khám phá các kênh rạch nội ô bằng tàu vào ban đêm.
Vấn đề là bố trí không gian, quy hoạch trung tâm, điểm tổ chức các hoạt động
kinh tế ban đêm và làm sao để các hoạt động này đảm bảo an toàn cho du khách.
TS Hiệp cho rằng phát
triển kinh tế ban đêm không chỉ là hoạt động ăn uống ở các tuyến phố ẩm thực,
các nhà hàng, mà nó bao gồm nhiều hoạt động khác. Thành công của các quốc gia
trên thế giới là họ có các TP du lịch phát triển và đều có các hoạt động về đêm
hiệu quả. Thực tế cho thấy những TP sôi động về thương mại, du lịch thì kinh tế
ban đêm phát triển, bởi họ tận dụng sự chênh lệch múi giờ, các gói du lịch bản
địa… để thu hút du khách tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm.
“Từ câu chuyện phát biểu
của người đứng đầu UBND tỉnh Bạc Liêu, tôi nghĩ đã đến lúc các địa phương rà
soát, bố trí lại một số lĩnh vực kinh tế. Sôi động, thu hút, tạo “sân chơi” cho
du khách và người dân nhưng không gian ấy phải phù hợp với các quy định pháp
luật và đặc biệt là vấn đề an toàn cho mọi người. Kinh tế ban đêm không chỉ là
du lịch, mà là kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự, đảm bảo không gian và bố trí
thời gian hợp lý. Không thể nơi này cấm, nơi kia giới hạn giờ thì đó là TP ngủ
chứ không phải là TP thức, không phải là kinh tế ban đêm mà chỉ là kinh tế nửa
đêm” - TS Hiệp nói.
Kinh tế ban đêm phải bắt
đầu từ người dân tại chỗ, tạo điều kiện tối đa cho cả người dân và doanh nghiệp
chứ đừng mở ra câu chuyện “vừa làm vừa canh”.
Khách
đến nhiều nhưng chi tiêu ít
Về
phía công ty du lịch, ông Phan Như Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt
(chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL), cho biết so với các tỉnh ĐBSCL, Bạc Liêu là
tỉnh rất quan tâm đến phát triển du lịch, họ đặc biệt coi du lịch là ngành kinh
tế mũi nhọn. Tuy nhiên, trên thực tế, khách du lịch qua Bạc Liêu rất nhiều
nhưng không lưu trú và chi tiêu tại tỉnh không bao nhiêu khiến doanh thu từ du
lịch rất thấp.
Theo
ông Huê, khi phát triển du lịch kết hợp với kinh tế ban đêm thì cần dựa trên
những gì chúng ta đang có, sau đó từ từ mới chuyên nghiệp và riêng biệt được.
Quy hoạch thành khu riêng biệt phải đi từng bước. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh
đều không quy hoạch được một khu dịch vụ vui chơi, giải trí ban đêm riêng biệt
mà gắn liền với nhà dân như khu Bùi Viện (quận 1, TP.HCM). Vì vậy, làm chợ đêm,
kinh tế ban đêm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là điều không tránh khỏi
nhưng phải làm sao giảm thiểu và người dân địa phương có nguồn lợi từ hoạt động
ban đêm để họ đồng lòng.
“Đối
với khách nước ngoài, cần kéo dài thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng thay vì
thời gian 10 giờ đêm như bây giờ. Các nước trên thế giới đều quy định đến 2 giờ
sáng, còn TP Las Vegas (Mỹ) không quy định giờ giấc hoạt động kinh tế ban đêm
bởi khách du lịch thức khuya hơn người dân địa phương. Khách quốc tế khi đến
Việt Nam bị lệch múi giờ nên giờ ngủ của mình sẽ là giờ thức của họ. Bên cạnh
đó, khả năng chi tiền của khách nước ngoài không giới hạn, kéo dài thời gian
hoạt động là cách thu “hầu bao” của du khách” - ông Huê nói.
Tương
tự, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt,
nhận xét: Phát triển kinh tế ban đêm là một phần quan trọng của du lịch, tuy
nhiên các chợ đêm, dịch vụ kết hợp với phát triển du lịch vẫn còn nghèo nàn.
Theo đó, trước hết kinh tế ban đêm phải bắt đầu từ người dân tại chỗ, tạo điều
kiện tối đa cho cả người dân và doanh nghiệp chứ đừng mở ra câu chuyện “vừa làm
vừa canh”.
“Chúng
ta nên thay đổi giờ hoạt động từ 17 giờ đến khi vãn khách. Hiện nay, các cơ sở
dịch vụ Việt Nam hoạt động theo giờ hành chính, từ 7 giờ 30 đến 17 giờ hoặc 18
giờ. Du lịch kết hợp với kinh tế ban đêm không nên khống chế thời gian hoạt
động mà tùy thuộc vào cung và cầu” - ông Mỹ hiến kế thêm.•
Cần Thơ thí điểm hoạt
động từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng
Tại TP
Cần Thơ, năm 2022, UBND TP đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm trên
địa bàn TP Cần Thơ, thí điểm tại quận Ninh Kiều. Theo đó, TP cho phép mở rộng
khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau đối với
các hoạt động hiện có, như phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội
Châu; chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học; chợ đêm ẩm
thực Cần Thơ trên đường Sông Hậu; tuyến đường chuyên doanh thời trang Nguyễn
Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và phố ẩm thực Đề Thám; hoạt động karaoke...
CHÂU
ANH - THU TRINH
https://plo.vn/phat-trien-kinh-te-dem-nen-tuy-thuoc-vao-cung-cau-post731565.html
Nhận xét
Đăng nhận xét