TRẦN HỮU HIỆP
Báo Tuổi Trẻ - 19/09/2021 08:15
GMT+7
TTO - Cùng với việc phòng chống dịch, không thể bỏ quên "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có khỏe thì nền kinh tế mới mạnh.
Các shipper lấy hàng trưa 18-9 tại tiệm cơm tấm Phúc Lộc Thọ 13 ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một khi doanh nghiệp (DN
) yếu, nền kinh tế sẽ lao đao. DN có khỏi bệnh hay không phụ thuộc vào hiệu quả
phòng bệnh, chẩn đoán đúng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị và bốc thuốc đúng
liều.
Không
thể kéo dài việc phong tỏa
Trạng thái "ngủ
đông" không thể kéo dài lâu hơn, khi tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến
tốt hơn. Đã có nhiều địa phương phía Nam, ngay tâm dịch như TP.HCM cũng đã lên
kế hoạch mở cửa lại các chợ đầu mối và lộ trình thúc đẩy hoạt động kinh doanh,
mở lại các tuyến du lịch. Đây là khoảng "thời gian vàng" tích cực
chuẩn bị để sớm trở lại trạng thái "bình thường mới".
Trước mắt vẫn phải ưu
tiên phòng, chống dịch bệnh. Đó cũng là cách bảo vệ niềm tin lâu dài cho môi
trường đầu tư kinh doanh. Nhưng cũng không thể kéo dài tình trạng phong tỏa,
giãn cách trên phạm vi rộng lớn bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, thái quá.
Các cấp lãnh đạo cần tránh tâm lý "sợ trách nhiệm", chọn giải pháp an
toàn, càng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế mà hậu quả là DN lãnh đủ.
Nếu tình hình dịch bệnh
có chuyển biến tốt hơn và trong tầm kiểm soát mà nhà máy vẫn bất động, điểm
kinh doanh, nhà hàng, cửa hiệu phải tiếp tục đóng cửa hay chỉ buôn bán nhỏ giọt
bằng cách mang đi, trong khi lực lượng giao hàng không hoạt động thì người dân
chưa mắc bệnh nhưng doanh nghiệp đã chết lâm sàng.
Do đó, cần sớm khơi
thông dòng chảy "chuỗi cung ứng", sự vận hành của hệ thống logistics
đảm bảo mạch máu lưu thông của nền kinh tế, không chỉ là hàng tiêu dùng thiết
yếu mà cả nguyên liệu sản xuất, hàng hóa tiêu thụ của doanh nghiệp.
Cùng với việc tăng tốc
tiêm vắc xin cho người dân thì việc mở cửa, phục hồi kinh tế phải đảm bảo DN
được "tiếp oxy, tiêm vắc xin chính sách" là đặc biệt quan trọng. Hơn
thế nữa, gói chính sách, đơn thuốc mang tính "cấp cứu doanh nghiệp"
cần phải được "kê toa đủ liều, đủ mạnh" và điều trị một cách khoa học
và phù hợp.
Nhiều tiểu thương đang chờ chợ được họp lại. Trong ảnh: chợ Tân Bình không một bóng người chiều 18-9 - Ảnh: T.T.D.
Tập
trung nguồn lực hỗ trợ DN
Phải nhìn nhận chính
sách hỗ trợ DN vừa qua là chưa đủ, đôi khi lẫn lộn giữa chính sách an sinh xã
hội và tăng cường năng lực. Thực tiễn và khó khăn là chưa có tiền lệ, chính
sách và giải pháp không thể "làm như mọi khi". Không phân bổ hỗ trợ
bình quân theo từng DN để tránh dàn trải, triệt tiêu nguồn lực.
Nhà nước mở rộng các hỗ
trợ miễn giảm thuế, chậm nộp, thực thi các chính sách bảo hiểm xã hội, hỗ trợ
người lao động. Ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất, triển khai các chương trình
tín dụng ưu đãi mới là cần thiết, mang tính "cấp cứu".
Cần phải chủ động xây
dựng chính sách gắn với nguồn lực, triển khai các biện pháp trước mắt mang tính
ngắn hạn nhằm giúp DN vượt qua khó khăn hiện tại và phục hồi phải dựa trên
"năng lực hấp thu chính sách" của DN.
Mỗi ngành, mỗi địa
phương, mỗi DN cần chuẩn bị các kịch bản, trong đó cần phải có gói giải pháp
trước mắt mang tính "cấp cứu DN" và lâu dài. Các nhóm giải pháp dài
hạn cần được xây dựng kỹ càng, bố trí nguồn lực thực hiện. Xây dựng chiến lược,
chính sách phát triển DN, phát huy lợi thế ngành, lĩnh vực, chuyển đổi mô hình
phát triển thích ứng.
Ứng dụng công nghệ tốt,
nhiều hơn và sớm nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công. Trong điều
kiện nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, cần khoan thư sức dân; cần rà soát và đình
hoãn các công trình đầu tư công như xây trụ sở, điểm vui chơi; thắt chặt chi
tiêu hành chính và tranh thủ các nguồn tài chính quốc tế hỗ trợ phục hồi đại
dịch.
* Ông
TRẦN VĂN TRƯỜNG (giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia):
Không
nên cào bằng với "3 tại chỗ"
Tôi
cho rằng nên mở cửa kinh tế càng sớm càng tốt. Bởi nếu không được hoạt động
lại, nhiều DN sẽ đối mặt nguy cơ phá sản do không duy trì được nguồn nhân lực,
khách hàng. Tuy vậy, các DN cũng đang bị áp lực lớn do chi phí đầu vào tăng 30
- 40% nhưng sức mua giảm, giá bán không tăng nhiều.
Không
nên cào bằng với "3 tại chỗ". Nếu đơn vị nào có nhân viên được tiêm
vắc xin, chỉ cần ký cam kết trong phòng chống dịch và cho hoạt động bình
thường. Việc thực hiện "3 tại chỗ" khiến chi phí đội lên, DN thiếu
nhân lực vì công nhân ngại đi làm.
Chúng
tôi cũng đề nghị khẩn trương tiêm vắc xin mũi 2 cho lực lượng shipper, giao
nhận và nhân viên bán lẻ để tăng thêm lực lượng này vào hoạt động. Trong khi
người bán và người mua đều cần hàng nhưng không có người giao, chi phí vận tải
sẽ tăng cao.
NG.TRÍ
* Bà
Trần Thị Thu Thùy (tiểu thương chợ An Đông, quận 5, TP.HCM):
Mong
ngân hàng giảm lãi, giãn nợ
Vì số
lượng tiểu thương được tiêm 2 mũi vắc xin vẫn rất hạn chế, nên dù rất muốn mở
bán lại nhưng nhiều tiểu thương tại chợ An Đông vẫn còn lo nguy cơ bị nhiễm
bệnh. Do đó, ban quản lý chợ và chính quyền phải rà soát lại, khẩn trương tiêm
mũi 2 cho tiểu thương trước khi nghĩ đến việc mở lại chợ.
Việc
mở lại chợ cũng nên liên tục, đừng "ngày mở ngày nghỉ" sẽ khiến hoạt
động kinh doanh khó khăn, chưa kể các khoản thu chi thuế phí cũng khó tính
toán. Thay vào đó, chỉ nên giới hạn khung giờ mở cửa trong ngày. Các địa phương
cũng cần ngồi lại bàn giải pháp cho thông thương hàng hóa, gỡ khó cho vận tải
nhằm tránh nguy cơ các chợ bị đứt nguồn hàng vì hoạt động vận chuyển hàng hóa
bị ách tắc.
Chúng
tôi cũng mong được hỗ trợ nhiều hơn, chứ mức 1,5 - 1,8 triệu đồng/sạp hiện nay
là quá ít, trong khi chợ đã tạm ngưng kinh doanh từ tháng 5-2021 đến nay. Ngoài
ra, tiểu thương cũng mong được các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hoặc giãn nợ
bởi tiểu thương không có thu nhập để xoay xở, chưa kể cần chi phí để có thể mở
cửa trở lại.
* Bà
Hoàng Ngọc (tiểu thương chợ Bình Tây, quận 6, TP.HCM):
Đừng
chỉ mở lại các sạp kinh doanh hàng thiết yếu
Chợ đã
ngưng hoạt động khá lâu, tiểu thương không có thu nhập nên nhiều người đang
mong mở cửa chợ. Tuy nhiên, để an toàn, ngoài tiêm vắc xin, tôi cho rằng chính
quyền cần tăng cường đội ngũ quản lý, giám sát người ra vào ở các cổng chợ khi
hoạt động lại.
Bên
cạnh đó, đối với khách hàng, xe chở hàng cần được tạo điều kiện cho lưu thông.
Nếu chấp nhận mở cửa kinh tế, không nhất thiết phải là ngành hàng thiết yếu mới
được ưu tiên, bởi nhiều ngành nghề được xem không thiết yếu nhưng đóng góp rất
lớn cho ngân sách, lực lượng lao động rất nhiều.
NG.TRÍ
Nhận xét
Đăng nhận xét