Báo Tuổi Trẻ - 26/06/2023 09:11 GMT+7
565 cán bộ lãnh đạo là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã,
phường; trưởng, phó phòng các sở, ban ngành và cấp huyện của TP Cần Thơ vừa
trải qua kỳ thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.
Kết quả của kỳ thi là cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử. Đáng chú ý, người dự thi nếu có kết quả dưới trung bình sẽ không được xét khen thưởng cuối năm.
Không chỉ riêng Cần Thơ,
các địa phương đều xem kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc
của cán bộ công chức. Hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì công bố
kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành
trung ương và địa phương.
Bộ Nội vụ chủ trì công
bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối
với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chính phủ cũng ban hành
Chương trình chuyển đổi số quốc
gia và chỉ đạo thực hiện.
Những nỗ lực của bộ máy
công quyền trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi
số, xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Nhưng cũng
như tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, còn nhiều cán bộ, công chức, viên
chức chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản của việc ứng dụng công nghệ thông tin,
chuyển đổi số. Nhiều người miệng nói vanh vách về thời đại công nghệ 4.0, cách
mạng xã hội 5.0 nhưng tay làm thủ công, năng suất và chất lượng kém.
Không ít cán bộ công
chức thiếu kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, yêu cầu chuyển đổi số;
công tác chuyên môn trễ nãi, kém chất lượng. Họ cứ thủng thẳng làm theo lối
mòn, trong khi nhu cầu đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Họ mặc tình để công việc
ùn ứ trước bức xúc của người dân. Nổi lên là tình trạng thiếu phối hợp, thừa
chồng chéo, mạnh ai nấy làm và nay thêm tình trạng không dám làm, đùn đẩy công
việc.
Tất nhiên, công việc
liên quan con người sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều lĩnh vực khác. Mấu chốt
của công tác cán bộ là chọn người tài, trao niềm tin, tạo động lực làm việc.
Người đứng đầu bên cạnh việc luôn bị cấp trên giám sát, tập thể soi, cần thực
hiện quyền quyết định ê kíp làm việc; đánh giá cấp dưới; quyền chọn lựa và loại
thải những người giúp việc mình chứ không thể phụ thuộc tập thể dẫn đến tình
trạng trách nhiệm chung chung, "trên bảo dưới không nghe" và
"trên không nghe dưới phản ánh".
Thực hiện tốt việc
chuyển đổi số sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu này và xây dựng chính quyền điện tử,
bộ máy phục vụ nhân dân có kiểm soát đắc lực của hệ thống công nghệ số. Cần sử
dụng các công cụ thang đo thực chất mức độ hài lòng của
quần chúng, dân chúng đối với chất lượng hoạt động và kết quả công việc của cán
bộ.
Yêu cầu "cán bộ
chuyển đổi số" và các công cụ, công nghệ hỗ trợ việc đánh giá, lượng hóa
tinh thần, thái độ, phong cách và kết quả làm việc của cán bộ sẽ góp phần đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ tốt, thải loại cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy, nâng cao
năng lực cán bộ công chức, viên chức, kiểm soát quyền lực, kiềm chế lạm dụng
quyền lực, góp phần phòng ngừa, chống tham nhũng và trị tình trạng cán bộ mù
công nghệ, sợ trách nhiệm, né công việc của cán bộ ta hiện nay.
https://tuoitre.vn/chuyen-doi-so-can-bo-20230626090044324.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét