Trần Hữu Hiệp
Mấy hôm nay, cứ chiều chiều tôi lại thấy cậu hàng xóm, vẫn sơmi, quần tây, lưng đeo balo học sinh, dắt con gái lếch thếch về qua ngõ. Tôi hỏi chuyện, cậu nói “em bị thổi nồng độ cồn, bị giữ cái xe rồi”.
Rầu
rầu, cậu kể tiếp: "Giờ cứ đụng chuyện phải dùng tới xe là vợ em la. Đưa
con đi học, đón con về, ra chợ mua cọng rau thơm, sợi bún... chạy qua hàng xóm
mượn riết thì phiền, mà đi bộ thì xa".
Hai
vợ chồng trẻ tích cóp mãi mới đổi được cái xe. Hàng ngày, anh chồng đi làm, chị
vợ buôn bán online. Chỉ vì ham tiệc vui cuối năm, anh bị tịch thu bằng lái, đi
tong lương thưởng tháng 13, ngày ngày bắt xe buýt đi làm. Đã đành anh làm anh
chịu. Nhưng thiệt hại đổ cả lên đôi chân chị vợ. Nên chị bực, chị la cũng phải.
Có
bữa, la chồng chưa đã, chị la sang cả mấy anh cảnh sát: "Ủa anh uống
rượu chứ cái xe có uống đâu, mắc mớ chi mà đi giam nó? - cổ la vậy
đó", anh kể rồi thất thểu dắt con về.
Quy
định tạm giữ phương tiện khi người tham gia giao thông vi phạm hành chính được
áp dụng nhiều năm với những tác dụng tích cực đã được ghi nhận. Nhưng có không
ít bất cập nảy sinh, khiến các quy định pháp luật, theo tôi, cần được xem xét
hoàn thiện cho phù hợp.
Cả
nước có đến hàng triệu chiếc xe "bị giam giữ", tồn từ năm này qua năm
khác. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong sáu tháng đầu
năm 2023, cảnh sát đã giữ 528.461 phương tiện các loại. Bốn năm trước, Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội từng tổ chức phiên giải trình về việc tạm giữ, tịch thu
phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính. Thống kê lúc
bấy giờ cho biết, chỉ trong sáu năm (2013-2019), đã có hơn 4,3 triệu xe ôtô,
gắn máy bị tạm giữ.
Không
chỉ gây ra sự bất tiện cho người dân, như trong câu chuyện của người hàng xóm
nhà tôi, số lượng lớn xe bị lưu kho này đang trở thành gánh nặng cho các đơn vị
quản lý.
Theo
quy định hiện hành, thủ tục tịch thu, bán đấu giá xe mất rất nhiều thời gian,
trải qua nhiều khâu tra cứu hồ sơ, xác minh, giám định, định giá, thông báo
niêm yết, lập phương án xử lý cho đến ra quyết định tịch thu. Nguồn thu về cho
ngân sách từ hoạt động đấu giá phương tiện vi phạm là không đáng kể. Trong khi
giá trị của nhiều chiếc xe thấp hơn giá trị tiền phạt, người vi phạm "bỏ
của chạy lấy người", hàng triệu chiếc xe lưu bãi năm nay qua năm khác. Nhà
nước phải chi ra nguồn ngân sách không nhỏ cho chi phí bến bãi, nhân sự, thiết
bị bảo vệ.
Những
chiếc xe "bị nhốt chuồng", không được khai thác công năng, lại phải
phơi nắng phơi sương, tạo ra nhiều nguy cơ về cháy nổ, hỏng hóc, gây thiệt hại
kinh tế lớn cho cả xã hội.
Trừ
một số xe là tang vật của các vụ án hình sự, cần áp dụng theo trình tự tố tụng
tư pháp, theo tôi, không nhất thiết phải áp dụng cứng nhắc việc tạm giữ xe như
một hình thức xử phạt. Bởi chính người điều khiển mới cần bị xử lý. Bên cạnh
phạt tiền, người vi phạm đã bị tịch thu giấy phép lái xe, tức bị hạn chế quyền
điều khiển phương tiện giao thông. Việc giam giữ xe là không cần thiết. Phương
tiện vốn là vật vô tri.
Vì
vậy, rà soát, cải tiến thủ tục, sửa đổi quy định pháp luật là điều cần thiết.
Từ năm 2020, UBND tỉnh An Giang từng có văn bản đề xuất các cơ quan chức năng
Trung ương xem xét áp dụng các biện pháp thay thế việc tạm giữ phương tiện vi
phạm trong một số trường hợp để tránh gây quá tải các điểm giữ xe vi phạm và
những hệ lụy khác.
Đề
xuất cho cá nhân, tổ chức đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ
theo thủ tục hành chính cũng đã được quy định tại Nghị định 138/2021/NĐ-CP. Đây
là một ý tưởng tốt, nhưng quá trình triển khai không đạt hiệu quả mong muốn do
thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Thời gian tạm giữ phương tiện là bảy ngày trong
khi thủ tục bảo lãnh đã mất hai ngày. Tính cả quá trình làm đơn và chờ đợi xem
xét cũng gần hết bảy ngày, nên người dân không mặn mà thực hiện.
Trước
đây, một thông tư năm 2003 đã hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân được
ghi nhận trong Hiến pháp bằng cách quy định cấm, chỉ cho phép mỗi người đăng ký
một xe gắn máy. Hậu quả là nhiều người mua xe nhờ đứng tên hộ, xảy ra tình
trạng xe không chính chủ tràn lan. Quy định trái khoáy này đã được bãi bỏ năm
2005, nhưng hậu quả của nó đến nay chưa thể khắc phục hết. Trong khi đó, việc
tạm giữ xe vi phạm quá tải vẫn đang diễn ra, chưa có sự điều chỉnh phù hợp.
Tạm
giữ phương tiện giao thông vi phạm hay "cho xe tại ngoại" không đơn
thuần là hình thức xử phạt mà nó còn trao cơ hội để người vi phạm khắc phục sai
phạm, tạo ra lợi ích kinh tế mới cho mình và xã hội, cũng chính là sự chọn lựa
pháp luật kiến tạo thay vì chỉ mang tính trừng phạt.
https://vnexpress.net/bat-giam-xe-vi-pham-4694689.html
Nhận xét
Đăng nhận xét