VnExpress – Chủ nhật, 28/1/2024, 00:00 (GMT+7)
Bàn
tiệc cuối tuần những ngày gần Tết ở miền Tây quê tôi thành diễn đàn thời sự
nhiều sắc màu của người nông dân. Những hộ trồng lúa
trúng mùa, sầu riêng được giá, rôm rả bàn chuyện ăn Tết lớn. Góc còn lại là
những gương mặt ảm đạm của người nuôi heo thất bát, đang tính bỏ chuồng sang
làm ruộng.
Ước tính, 80%
hộ chăn nuôi heo phải bỏ nghề vì không thể tiếp tục gồng mình theo cái nghiệp
"muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt". Tình trạng teo tóp các hộ
nuôi ở miền Tây cũng giống như ở miền Đông, vùng nuôi lớn nhất nước và là thực
trạng chung của ngành. Số liệu thống kê của ngành chăn nuôi heo cho thấy cách
đây 10 năm, cả nước có khoảng 10 triệu hộ chăn nuôi, đến 2021 còn 4 triệu hộ,
nay chỉ còn không tới 2
triệu.
Ngành chăn nuôi
trong nước đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Không chỉ hộ
dân, các trang trại và doanh nghiệp cũng thua lỗ. Ở quy mô trang trại, chi phí
chăn nuôi vào khoảng 55.000 đồng/kg, còn chăn nuôi nông hộ khoảng 60.000 đồng/kg.
Với giá bán heo hơi hiện nay, 52.000-58.000 đồng một kg, người nuôi không có
lãi, thậm chí lỗ. Nếu không sớm khắc phục khó khăn, sắp tới có thể nhiều vùng
bị xóa trắng chăn nuôi heo, trong khi đây là loại thực phẩm chính.
"Đeo thêm
đá" vào bước đi của người nuôi heo là tình trạng heo vượt biên vào Việt
Nam. Hiệp hội chăn nuôi heo Đồng Nai mới đây ước tính hàng đêm có khoảng
6.000-7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng
lượng heo cung cấp ra thị trường cả nước mỗi ngày.
Chi phí chăn
nuôi lớn, bị heo lậu xâm chiếm thị trường, người nông dân còn liêu xiêu vì dịch
bệnh. Năm 2023, dịch tả heo châu Phi quét qua 45 tỉnh, thành phố, khiến gần 40
nghìn con heo phải tiêu hủy, trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến người nuôi heo,
gián tiếp gieo rắc tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng. Bối cảnh này cùng với hiện trạng ngành chăn nuôi nhỏ
lẻ, liên kết lỏng lẻo, bất cập cung - cầu, kiểm soát dịch bệnh thiếu chặt chẽ,
khiến tương lai của những hộ nông dân quê tôi ngày một tối tăm.
Trong năm qua,
các hiệp hội chăn nuôi nhiều lần gửi kêu cứu, đề nghị có giải pháp bảo vệ heo
nội địa trước tình trạng heo nhập lậu ồ ạt. Nhưng siết chặt
các biện pháp kiểm soát biên giới, quản lý thị trường chỉ là "phần
ngọn". Phần gốc là phải tổ chức lại ngành chăn nuôi để nâng cao sức cạnh
tranh. Trong khi chăn nuôi heo ở Thái Lan và ngay cả Campuchia đã có bước tiến
rất nhanh trong việc hạ giá thành, thì ngành này ở Việt Nam vẫn èo uột kêu cứu.
Sự chậm chạp đó
càng thấy rõ khi nhìn lại, cách đây hơn 10 năm, giá thành chăn nuôi heo ở Việt
Nam rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc. Khoảng đầu năm 2011, ước tính mỗi ngày có
đến hàng trăm tấn heo được thu gom từ khắp nơi trong cả nước để chở ngược lên
các cửa khẩu phía Bắc, xuất sang Trung Quốc. Năng lực cạnh tranh của ngành chăn
nuôi yếu kém nên đóng góp của ngành này cho xuất khẩu cũng rất khiêm tốn. Kim
ngạch xuất khẩu toàn ngành chăn nuôi năm 2023 vào khoảng 430 triệu USD, thấp
hơn nhiều so với các mặt hàng nông sản tỷ đô khác. Chẳng hạn, xuất khẩu sầu
riêng trong 10 tháng đầu 2023 đã đạt gần 2,1 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu cà phê
năm 2023 đạt 4,18 tỷ USD.
Để xây dựng và
vận hành hệ thống chăn nuôi tăng tính cạnh tranh, theo tôi cần bắt đầu từ các
yếu tố tác động trực tiếp đến giá thành, đặc biệt là thuốc thú y và chuỗi thức
ăn. Ngoài ra, ngành này cần được tạo điều kiện để phát triển bền vững bằng cách
kết hợp chặt chẽ với công nghiệp chế biến. Các thành quả của ngành công nghiệp
chế biến sẽ làm phong phú các sản phẩm giá trị tăng thêm khác, theo yêu cầu
hiện đại hóa ngành chăn nuôi, và đặc điểm của kinh tế tuần hoàn.
Nhà chức trách
có thể tận dụng hiệu quả hơn mạng lưới cửa hàng cung ứng thuốc thú y, dịch dụ
hỗ trợ chăn nuôi để từ đó thu thập thông tin dịch bệnh, sử dụng các dữ liệu về
dịch tễ, nhằm chủ động hơn về phương án hỗ trợ cho người nông dân. Việc này sẽ
giúp thiết lập một "hàng rào bảo vệ" an toàn từ vùng nuôi, đường đi
của các sản phẩm chăn nuôi đến thực phẩm trên bàn ăn người tiêu dùng.
Bên cạnh những
hỗ trợ của hiệp hội và các bộ ngành liên quan, sự vận động và thay đổi của các
doanh nghiệp và trang trại là vấn đề chắc chắn phải nhắc tới. Tổ chức lại hệ
thống chăn nuôi chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống chuồng trại và giết mổ, chuỗi
cung ứng, đảm bảo thịt heo sạch, truy xuất nguồn gốc... là cách để gây dựng lại
niềm tin của người tiêu dùng.
Ngăn chặn nhập
lậu là một đề xuất chính đáng, nhưng vẫn chỉ là vấn đề bề mặt của ngành chăn
nuôi. Cách hiệu quả nhất để ngăn đàn heo vượt biên từ nước ngoài là tăng giá
trị sản xuất theo quy mô lớn hơn, tạo năng lực cạnh tranh tốt hơn, giành lại sự
tin tưởng của người tiêu dùng.
Trần Hữu Hiệp
https://vnexpress.net/heo-lau-xam-chiem-4705875.html
Nhận xét
Đăng nhận xét