YẾN PHƯƠNG
Những hạn chế của khai thác đường bay chính là khó khăn lớn trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
"Điểm nghẽn" giao thông đường hàng không
Khi bàn về câu chuyện giải bài toán thu hút khách du lịch đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mỗi chuyên gia, doanh nghiệp đều có góc nhìn riêng. Song, bên cạnh các yếu tố về sản phẩm du lịch, chất lượng phục vụ,… thì giao thông được đánh giá là mạch máu quan trọng để phát triển du lịch vùng.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ - cho rằng, điểm khó khăn lớn hiện nay của ĐBSCL là việc khai thác các đường bay tại cảng hàng không trong vùng còn hạn chế.
“Đơn cử là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sản lượng vận tải hành khách vẫn thấp hơn so với thời điểm trước năm 2020 (trước dịch COVID-19), đặc biệt là trong năm 2022 không khai thác các đường bay quốc tế; đường bay nội địa Cần Thơ - Vân Đồn (Quảng Ninh) mới khai thác bị sụt giảm công suất; các đường bay nội địa gần đây đã đóng hoàn toàn là Cần Thơ - Đà Lạt và Cần Thơ - Phú Quốc”, bà Thy dẫn chứng.
Trên thực tế, mặc dù gọi là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ nhưng nơi đây hoàn toàn không có đường bay quốc tế nào được duy trì đến thời điểm hiện tại. Còn trong số 11 đường bay nội địa từ Cần Thơ kết nối các vùng, miền thì hiện chỉ còn 4 đường bay (đã đóng 7 đường bay).
Theo bà Thy, "điểm nghẽn" của giao thông đường hàng không đã ảnh hưởng đến việc kết nối tour, tuyến cũng như kết nối du khách từ các vùng, miền và quốc tế đến với vùng ĐBSCL.
“Không có đường bay từ các tỉnh thành, không có đường bay từ quốc tế, vậy nên ĐBSCL có muốn tăng lượng khách lên cũng rất khó. Chỉ khi nào sự kết nối giữa giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không được liên kết chặt chẽ thì mới có thể gia tăng lượng khách”, bà Thy nói.
Chính vì thế, bà Thy đề xuất kết nối lại các đường bay thông qua việc phối hợp với các hãng hàng không.
“Hiện tại, nếu chúng ta chưa thể khai thác các chuyến bay như thường lệ thì có thể phối hợp với các hãng hàng không để mở rộng chuyến bay thuê bao (charter flights) theo mùa, như: mùa lễ hội sông nước, bánh dân gian, nông sản,... và tổ chức các sự kiện triển lãm, hoạt động thể thao, các chương trình giảm giá,… đó cũng là một cách quan trọng để thu hút du khách và phát triển du lịch ĐBSCL”, bà Thy gợi ý.
Giao thông là mạch máu quan trọng
Khẳng định tầm quan trọng của giao thông trong phát triển du lịch vùng ĐBSCL, Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL - cho biết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, 2 không gian du lịch phía Tây và phía Đông của vùng và hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.
“Các không gian du dịch sẽ được rộng mở từ Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL và liên kết từ 13 bản quy hoạch của các địa phương trong vùng. Giao thông là mạch máu nền kinh tế, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng”, ông Hiệp cho hay.
Đặc biệt, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
"Đây là những chiếc chìa khóa mở ra không gian phát triển mới, tạo xung lực mới, liên kết các tiểu vùng thuộc Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, vùng ven biển Đông và dọc hành lang biển Tây, kết nối với siêu cảng biển Trần Đề được đưa vào quy hoạch phát triển mới thành cảng nước sâu trọng điểm của vùng, đánh thức tiềm năng kinh tế biển ĐBSCL và mở rộng “cánh cửa” biên giới Tây Nam", ông Hiệp nhấn mạnh.
https://laodong.vn/xa-hoi/kho-thu-hut-khach-du-lich-den-dong-bang-song-cuu-long-khi-thieu-duong-bay-1321210.ldo?fbclid=IwAR0NUt251M0rE2dBzTTJmXUNkFqbhLuhnIV6E3gJH6jsSJ8WVyyJPAvfGV8
Nhận xét
Đăng nhận xét