Trúc Giang - 29/03/2024 16:51
Các sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết...
“Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long” là chủ đề của Hội thảo do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sở Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức sáng ngày 29/3 tại TP. Cần Thơ.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho rằng, chủ đề hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi phát triển du lịch tại các tỉnh ĐBSCL hiệu quả, bền vững và vinh danh các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các khu du lịch có những hoạt động nổi bật trong thời gian qua.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại Hội thảo |
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ngành du lịch thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sảng phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…
“Tôi tin tưởng rằng, tại hội thảo hôm nay sẽ có nhiều ý kiến phát biểu phân tích, đánh giá về thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay cho du lịch ĐBSCL phát triển trong thời gian tới”, ông Hiện bày tỏ.
Tại hội thảo, các đại biểu có cùng nhận định, ĐBSCL tuy có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.
Theo TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL chính là “Thế giới sông nước Mê Kông” gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian bảo tàng lúa nước, bảo tàng ẩm thực đặc sắc Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo là sự thể hiện ngắn gọn những giá trị cốt lõi của du lịch ĐBSCL với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước, biển đảo Đông - Tây Nam và là kết tinh của quá trình lịch sử lao động sáng tạo của bao thế hệ người đồng bằng, văn hoá độc đáo, giàu bản sắc thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hoá lịch sử, tạo ra nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị. Cùng với không gian du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù rất cần được đầu tư khai thác trong phát triển ngành du lịch vùng ĐBSCL...
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, tiềm năng du lịch vùng còn chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Do tính tương đồng về tài nguyên du lịch, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm chính này, nên các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp để tổ chức được những trải nghiệm đích thực về các giá trị sông nước.
Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch của vùng, các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, khác biệt của từng địa phương, giá trị và tính hấp dẫn trong tương quan trong vùng và trong cả nước.
“Du lịch ĐBSCL đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu” là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và đang thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả, nên không gian du lịch vùng, liên kết với TP.HCM bị ngắt khúc. Dù được thảo luận và triển khai nhiều hoạt động liên kết, nhưng trong thực tế vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL và TP.HCM để phát triển du lịch thật sự hiệu quả”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ đề xuất nhiều giải pháp phát triển tour tuyến sản phẩm du lịch ĐBSCL |
Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ cũng đã chỉ ra những vấn đề khó khăn, hạn chế của du lịch ĐBSCL. Đó là: thiếu quan tâm đến cảm nhận, mong muốn và nhu cầu của du khách. Các chủ đầu tư du lịch ít quan tâm đến việc công trình có giữ được cảnh quan và chiếm được cảm tình du khách hay không và ít khi ghi nhận, lắng nghe ý kiến phản hồi từ du khách. Việc đầu tư ồ ạt không bài bản, thiếu chuyên nghiệp, nôn nóng “đổ tiền” vào khai thác tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL.
Sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các tỉnh thành, thiếu tính liên kết. Các hoạt động, chương trình vui chơi giải trí về đêm ở miền Tây cũng kém phát triển. Thiếu các sự kiện văn hóa, giải trí quy mô tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc nghiên cứu và dự báo nhu cầu thị trường...
“Cũng có một số ý kiến cho rằng miền Tây vẫn chỉ là địa chỉ khám phá chứ không phải là điểm đến nghỉ dưỡng của du khách vì thế tỷ lệ khách quay trở lại ĐBSCL ít là điều dễ hiểu”, bà Thy chia sẻ.
Từ thực trạng trên, bà Thy đề xuất nhiều giải pháp phát triển tour tuyến sản phẩm du lịch ĐBSCL. Cụ thể, cần phát triển mạng lưới chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn nhằm cung cấp đến khách du lịch những địa chỉ các dịch vụ du lịch có uy tín và chất lượng trong khu vực ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cũng cần thiết xây dựng khu trung tâm văn hóa ẩm thực; xây dựng chiến dịch quảng bá đa dạng; hợp tác với các đối tác trong vùng và vùng kết nối với các đối tác quốc tế; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp địa phương, hãng hàng không, và tổ chức du lịch để xây dựng gói ưu đãi và khuyến mãi, giúp thu hút du khách và gia tăng sự quan tâm từ các đối tác quốc tế.
Phát triển sản phẩm và trải nghiệm du lịch độc đáo, tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt, kết hợp du lịch với văn hóa, ẩm thực, thể thao, và lễ hội địa phương...
Còn ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành tại Cần Thơ cho rằng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL không chỉ đòi hỏi sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, mà còn cần sự nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa và tự nhiên của khu vực. Việc phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn và phát triển bền vững, đảm bảo rằng các thế hệ tương lai cũng có thể trải nghiệm và học hỏi từ những điều kỳ diệu mà ĐBSCL mang lại.
Theo ông Nghị, để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Mỗi bên có vai trò riêng trong việc xây dựng một ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, từ việc tạo ra sản phẩm du lịch mới cho đến việc quảng bá và tiếp thị những sản phẩm này.
“Cuối cùng, để thành công trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho ĐBSCL, chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi sản phẩm du lịch nên được thiết kế để mang lại cho khách hàng những kỷ niệm khó quên và kiến thức mới về một trong những khu vực sinh động và giàu bản sắc bật nhất Việt Nam”, ông Nghị nhấn mạnh.
https://baodautu.vn/tim-giai-phap-phat-trien-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-d211863.html
Nhận xét
Đăng nhận xét