TS Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 01/01/2024
08:34
Hai
cao tốc ở hai đầu đất nước là Mỹ Thuận - Cần Thơ và Tuyên Quang - Phú Thọ vừa
được đưa vào sử dụng đã kéo dài đường cao tốc cả nước lên gần 1.900 km.
Tính từ đầu nhiệm
kỳ Chính phủ đến nay, đã có thêm 729 km đường cao tốc được hoàn thành và gần
1.700 km đang thi công. Dự kiến đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường cao tốc
và đến năm 2030 sẽ lên đến hơn 5.000 km cao tốc.
Hệ thống đường cao
tốc cả nước bắt đầu được xây dựng từ những năm 2000. Đường cao tốc TP HCM -
Trung Lương dài 41 km là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là tuyến
cao tốc đầu tiên mở cửa ngõ kết nối TP HCM - miền Tây Nam Bộ, hoàn thành năm
2010, nhưng hơn một thập kỷ sau đó vùng này không có thêm bất kỳ km đường cao
tốc nào.
Nếu trong 24 năm
(1998-2021), cả nước có gần 1.200 km đường cao tốc được xây dựng, thì chỉ trong
5 năm (2021-2025) có khoảng 1.900 km đường cao tốc hoàn thành, tương đương với
26 năm xây dựng trước đó (1998-2023). Đây là thời kỳ tăng tốc xây dựng đường
cao tốc quốc gia chưa từng có trong lịch sử, tạo ra nhiều mảng sáng trong bức
tranh giao thông các vùng miền và cả nước.
Cao tốc Bắc - Nam
có vai trò đặc biệt quan trọng đối với kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an
ninh. Ở phía Bắc, các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ
Long - Vân Đồn - Móng Cái… kết nối vùng Đông Bắc; đường cao tốc Hà Nội - Lào
Cai, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên,… kết nối vùng Tây Bắc.
Các tuyến đường cao tốc miền Trung - Tây Nguyên như Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng đã rút ngắn một nửa thời gian từ TP HCM đi Nha Trang; đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang xây dựng, …
Ở phía Nam, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành, kết nối "nút kép liên vùng" TP HCM và Cần Thơ. Các tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau và Cao Lãnh - An Hữu… đang triển khai xây dựng tiếp tục kéo dài đường cao tốc ở khu vực "đói đường cao tốc, khát đường giao thông" nhiều năm qua.Giao thông là mạch
máu nền kinh tế, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết
vùng. Các tuyến đường cao tốc đã, đang và sẽ hoàn thành chính là trục xương
sống của quốc gia, tạo ra không gian phát triển mới, cầu nối liên kết nội vùng
và liên vùng, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, nhìn
tổng thể hạ tầng giao thông và đường cao tốc hiện tại vẫn chưa đáp ứng tốt nhu
cầu đi lại và phát triển kinh tế đất nước; đặc biệt là ở các vùng Tây Bắc, Tây
Nguyên và Tây Nam Bộ. Vẫn đang tồn tại các nút thắt lớn là vướng giải phóng mặt
bằng, thiếu vốn, thiếu vật liệu đắp nền đường, thi công chậm tiến độ, đầu tư
không đồng bộ theo kiểu "ngắt khúc" khiến mạch máu giao thông vận tải
của vùng chưa thông suốt.
Kỳ vọng vào giai
đoạn tăng tốc đường cao tốc nhưng cần nỗ lực vượt qua nhiều thách thức. Trong
điều kiện vốn ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng được một phần và mang tính khơi
nguồn, hàng loạt các dự án đường cao tốc thời kỳ 2021-2030 được đầu tư mới sẽ
phải huy động nhiều nguồn vốn đi kèm với các cơ chế, chính sách mới có thể hoàn
thành mục tiêu số đề ra.
Yêu cầu đó đòi hỏi
sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giao thông với các bộ, ngành Trung ương liên
quan và các địa phương nơi đường cao tốc đi qua. Việc phát triển đường cao tốc
phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công
trình đầu tư phát triển khác của các vùng và các địa phương.
Dấu ấn đường cao tốc là đi trước
mở đường, kết nối không gian, tạo ra thế và lực huy động nguồn lực đầu tư phát
triển vùng và liên vùng.
https://nld.com.vn/tao-ra-the-va-luc-196231231193506047.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét