Ca Linh
Ngày 29-3, tại TP Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù du lịch ĐBSCL".
Phát biểu hội thảo, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, nhận định chủ đề hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Từ đó, để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch tại các tỉnh ĐBSCL hiệu quả, bền vững.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thông tin: "Cùng với các địa phương trong vùng, TP Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Đồng thời, xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố".
Qua thống kê cho thấy, năm 2023, tổng số khách đến "vùng đất Chín rồng" đạt gần 45 triệu lượt (tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt (tăng hơn 3 lần) với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46.000 tỉ đồng, tăng 42,6%.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, ngành du lịch trong vùng đang gặp phải những khó khăn thách thức. Đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…
TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng một sản phẩm du lịch đặc thù cụ thể có thể hấp dẫn, độc đáo với người này, nhưng kém hấp dẫn với người khác, tùy thuộc vào nhu cầu, thị hiếu của du khách, việc tận dụng các phân khúc thị trường du lịch và thời điểm (mùa du lịch, lễ hội ...). Nhưng yêu cầu xuyên suốt là phải đảm bảo yếu tố thỏa mãn nhu cầu và phát triển bền vững.
TS Trần Hữu Hiệp khẳng định sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL chính là "Thế giới sông nước Mê Kông" (Mekong Water World) gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian bảo tàng lúa nước, bảo tàng ẩm thực đặc sắc Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo là sự thể hiện ngắn gọn những giá trị cốt lõi của du lịch ĐBSCL…
Chính vì vậy, cùng với không gian du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù rất cần được đầu tư khai thác trong phát triển ngành du lịch vùng ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét