Trung Chánh
Kinh tế Sài Gòn Online - 20:00 25/12/2023
(KTSG Online) – Liên kết là động lực quan trọng để
phát triển kinh tế – xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế
nhưng, kết quả thực thi liên kết được các chuyên gia đánh giá chỉ dừng lại ở
ban hành các quy hoạch, nghị quyết và quyết định, tức việc cụ thể hoá để tạo động
lực cho phát triển kinh tế – xã hội vẫn rất ít.
Cầu Mỹ Thuận 2 kết nối từ tỉnh Tiền Giang sang Vĩnh Long được đưa vào
khai thác từ ngày 25-12. Ảnh: Trung Chánh
Những lợi ích từ liên kết vùng
Tại
“diễn đàn chính sách phát triển vùng ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và cơ chế hợp
tác giữa các địa phương” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
chi nhánh ĐBSCL tổ chức mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng
thư ký, Trưởng ban pháp chế VCCI, đặt câu hỏi: “Tại sao phải liên kết, liên kết
có tác động gì?”.
Dưới
góc nhìn của người làm chính sách, theo ông Tuấn, liên kết vùng có những điểm
rất mạnh, đầu tiên giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho vùng. Chẳng hạn, nhà
đầu tư khi nhắm đến một nơi, ít khi họ nhìn trong phạm vi địa giới hành chính
của một địa phương, mà thường nhìn đến toàn vùng, do đó, việc tăng cường liên
kết giúp tạo cạnh tranh cho toàn vùng, trong đó có địa phương.
Điểm
mạnh thứ hai, thúc đẩy hiệu ứng lan toả phát triển. “Nếu nhìn trong 30 năm đổi
mới của Việt Nam, những cực tăng trưởng tốt như TPHCM, Hà Nội hay Bình Dương…
luôn kéo theo sự phát triển của những địa phương lân cận. Chính vì vậy, nếu
chúng ta liên kết tốt thì sự phát của Cần Thơ, Kiên Giang hay Long An sẽ giúp
lan toả cho toàn vùng”, ông Tuấn nhận định.
Điểm
mạnh thứ ba là giúp tạo ra sự phát triển của các cụm ngành. Thực tế, các dự án
đầu tư hay hoạt động phát triển kinh tế hiện nay không đơn lẻ của một nhà máy,
mà phát triển theo chuỗi, theo cụm ngành. Do đó, việc liên kết giữa các địa
phương tốt sẽ giúp tạo ra các cụm ngành.
Cách
đây hơn một năm, Ngân hàng Thế giới (WB) có báo cáo về các cụm ngành kinh tế
của Việt Nam cũng đã chứng minh rất rõ một điều, đó là ở đâu liên kết tốt thì
dễ hình thành các cụm ngành và hoạt động kinh tế sẽ phát triển một cách sôi động
hơn.
Cuối
cùng, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, nếu biên giới hành chính giữa các địa
phương giảm dần thì hiệu quả sẽ tăng lên. “Ví dụ, trường dạy nghề đầu tư ở một
tỉnh và phục vụ riêng cho tỉnh thì chắc chắn sức hấp dẫn sẽ kém hơn so với đầu
tư ở một tỉnh, nhưng phục vụ cho cả vùng; hay nhà máy xử lý rác thải phục vụ
cho cả vùng hoặc tiểu vùng thì hiệu quả sẽ cao hơn cho riêng một địa phương”,
ông Tuấn nói và cho rằng hiệu quả hoạt động kinh tế sẽ hấp dẫn hơn nếu rào cản
biên giới hành chính giảm đi.
Nhìn
từ quy hoạch tích hợp vùng
Quyết định
287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng
ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên
trong cả nước được phê duyệt cho đến thời điểm hiện tại.
TS Trần Hữu Hiệp,
chuyên gia kinh tế, cho rằng “điểm sáng” trước hết là quy hoạch vùng đầu tiên
trong cả nước và lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị công bố quy
hoạch vùng, tạo sự quan tâm rất lớn không chỉ cho chính quyền địa phương, mà cả
cộng đồng doanh nghiệp.
Điểm sáng thứ hai
là quy hoạch tiếp cận trên 3 trụ cột phát triển bền vững phù hợp cách tiếp cận
của thế giới, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường – được cụ thể hoá từ Nghị
quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nội dụng cốt lõi
của quy hoạch là “định vị” ĐBSCL trên bối cảnh mới, bố trí không gian huy động
nguồn lực và hướng đến mục tiêu “biến vùng trở thành nơi đáng sống, là điểm đến
của nhà đầu tư, du khách và cộng đồng dân cư sinh sống”.
Thực tế, có một vấn
đề quan trọng đã được báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 chỉ ra, đó là
10 năm qua, vùng này đã có hơn 1,3 triệu người di cư đi nơi khác. “Chúng ta
nhìn thấy điều đó, muốn định vị lại và biến nó trở thành nơi thật sự đáng sống
là điểm rất là phấn khởi”, ông nói.
Thực tế kết quả
mang lại sau hơn 1,5 năm, theo vị chuyên gia kinh tế của ĐBSCL, đó là từ quy
hoạch chung hiện đã có 10/13 địa phương được Chính phủ phê duyệt quy hoạch của
địa phương. “Đây là điểm sáng, tất nhiên chất lượng quy hoạch như thế nào là
chuyện khác, nhưng từ quy hoạch vùng có được quy hoạch tỉnh là điều đáng mừng”,
ông Hiệp nói, và cho rằng việc các địa phương tăng cường liên kết trên nhiều
lĩnh vực, bao gồm hạ tầng giao thông, phát triển nhân lực, du lịch… cũng là điểm
đáng ghi nhận.
Theo ông, ở cấp
trung ương, hàng loạt chủ trương, chính sách, văn bản, nghị quyết được ban hành
để thúc đẩy là tín hiệu tích cực. Trong đó có nghị quyết 78 của Chính phủ; nghị
quyết 57 của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế liên kết vùng cho cả nước (bao gồm
vùng ĐBSCL); quyết định 974 về thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL – hội
đồng điều phối vùng đầu tiên trong cả nước.
Điểm sáng đáng lưu
ý trong thực hiện quy hoạch, theo đánh giá của ông Hiệp, đó là tổ chức huy động
nguồn lực, mà cụ thể gần hai năm qua, Trung ương đã quan tâm đầu tư phát triển
khá lớn cho vùng, nhất là hạ tầng giao thông và thuỷ lợi ứng phó biến đổi khí
hậu.
“Hàng loạt công
trình giao thông trọng điểm trong vùng như đường cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ-
Trần Đề hay đoạn cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau và các công trình trục dọc,
đường ngang, cầu vượt sông lớn, đường vành đai ven biển phía Đông, phía Tây
được quan tâm đầu tư”, ông Hiệp dẫn chứng.
Một điểm khác, theo
ông Hiệp, đó là 7 nhóm giải pháp trong quy hoạch ở một mức độ nào đó cũng được
triển khai đồng bộ. Tuy
nhiên, theo ông, có ba vấn đề lớn cần tập trung thời gian tới.
Thứ nhất là hoàn
thiện khung pháp lý cho liên kết vùng được nêu trong chương trình hành động
(Nghị quyết 78), trong khi nội dung này được yêu cầu phải hoàn thành trong năm
2023.
Thứ hai, báo cáo
điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL vẫn chưa
có, dù đầu việc này được nêu trong chương trình hành động phải hoàn thành trong
năm nay.
Vấn đề thứ ba là đề
xuất cơ chế chính sách đặc thù huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển cho
hạ tầng. “Trong quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính đặc
thù, sáng tạo có nêu nội dung dành nguồn vốn cho đầu tư những dự án liên kết
vùng, nhưng từ 2017 đến nay vẫn chưa thực hiện”, ông Hiệp cho biết.
Liên
quan nội dung nêu trên, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và
Quản lý Fulbright (FSPPM), đề xuất dành 10% trong tổng vốn đầu tư công cho vùng
ĐBSCL để đầu tư những chương trình, dự án liên kết vùng.
Chủ thể mờ nhạt, thiếu nguồn lực và cả dữ liệu
Ông Hiệp nói rằng
việc thực thi quy hoạch nêu trên gắn liền với câu chuyện liên kết vùng ĐBSCL,
tuy nhiên việc liên kết đang trong tình trạng “một cần, hai có và ba không”.
Cụ thể, yếu tố cần
đó là các địa phương trong vùng ĐBSCL thống nhất cần phải liên kết vùng.
Hai có bao gồm, thứ
nhất là có chủ trương, chính sách, quan điểm liên kết vùng được thể hiện rất
rõ, và thứ hai là có quy hoạch vùng rất tốt.
Tuy nhiên, tồn tại
ba không, thứ nhất là chủ thể vùng còn mờ nhạt, không rõ ràng. “Nếu Trung ương
có chính quyền trung ương, địa phương có chính quyền địa phương, thì ở cấp vùng
không có nên rất khó để thực thi quy hoạch vùng”, ông Hiệp nhận xét.
Thứ hai là không có
dòng ngân sách cho phát triển vùng riêng biệt. “Luật ngân sách chỉ có hai cấp
là Trung ương và địa phương, trong khi ngân sách vùng không có, cho nên thiếu nguồn
lực để biến chủ trương, chính sách thành hiện thực”, ông Hiệp nói.
Thứ ba là không có
một trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin của vùng, trong khi đây là nội dung
hết sức quan trọng, giúp cho các nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương và các
nhà đầu tư có thông tin đề xuất, đưa ra hoạch định, chính sách giúp vùng phát
triển.
Trong khi đó, nhìn
tổng thể liên kết vùng ở ĐBSCL, ông Tuấn của VCCI đánh giá chưa thành công, dù
rất nhiều chính sách đã được ban hành. Trong đó, thiếu thiết chế, bộ máy thực
thi điều phối liên kết vùng; thiếu cơ chế thúc đẩy, giám sát, phối hợp khiến
các hoạt động liên kết phần lớn chỉ dừng lại ở… “hội thảo, thảo luận”.
Theo ông, mô hình
liên kết có rất nhiều nội dung khác nhau, có thể là quốc phòng an ninh, những
vấn đề về văn hoá- xã hội, vấn đề về kinh tế…, trong khi nguồn tài chính, nhân
lực rất hạn chế, thậm chí thiếu động lực thực thi nên hiệu quả không cao.
Để liên kết vùng
ĐBSCL hiệu quả, nhóm chuyên gia báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 đề
xuất trong dài hạn cần có một chính quyền cấp vùng, có thẩm quyền về tài khoá,
quy hoạch và nhân sự. Khi đó, chính quyền vùng sẽ ở vị trí và có động cơ theo
đuổi lợi ích chung cho toàn vùng, không bị chi phối bởi lợi ích có tính cục bộ
của từng địa phương. Đồng thời, vùng sẽ có quy mô đủ lớn để xây dựng một cơ cấu
kinh tế hoàn chỉnh và hiện đại.
Trong điều kiện
không thể tổ chức chính quyền cấp vùng, thì buộc phải sử dụng các cơ chế điều
phối vùng hiện có. Cơ chế này cần đáp ứng tốt nhất các điều kiện: (I) có đủ
thẩm quyền pháp lý, (II) có ngân sách rõ ràng, (III) có phân công, trách nhiệm
giải trình rõ ràng, (IV) có lộ trình triển khai cụ thể, (V) có bộ máy thường
trực đủ năng lực theo dõi và đánh giá thực thi, (VI) các bên có động lực thực
thi.
Nhóm nghiên cứu cho
biết, đến thời điểm hiện nay chỉ có quy hoạch vùng là đáp ứng tốt nhất các tiêu
chí trên, cho nên cần lấy quy hoạch này làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều
phối các hoạt động liên kết vùng. Với nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng điều
phối vùng hiện nay thì hội đồng này sẽ đóng vai trò “nhạc trưởng” và là chủ thể
đích thực, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về triển khai quy hoạch vùng. Để
thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn, bên cạnh thẩm quyền đã có, Hội đồng điều
phối vùng cần có đủ năng lực về tài chính, bộ máy, con người và dữ liệu…
Để Hội đồng điều
phối vùng hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, bên cạnh việc đảm bảo trách nhiệm
giải trình của các thành viên hội đồng cũng như chất lượng nhân sự của Văn
phòng điều phối vùng, thì cần thiết kế hệ thống khuyến khích chính quyền địa
phương.
Theo đó, lãnh đạo
địa phương không chỉ được đánh giá dựa vào thành tích GDP, ngân sách, thu hút
đầu tư, xoá đói giảm nghèo…, mà cần có thêm thang đo về “hợp tác và liên kết
vùng”.
Để giảm tính cục bộ
địa phương, tăng liên kết vùng cũng như góp phần cải cách hành chính, nhóm
nghiên cứu khuyến nghị giảm số đầu mối các cơ quan trung ương theo ngành dọc
đóng tại địa phương.
Chẳng hạn, thay vì
mỗi địa phương đều có chi nhánh kho bạc, ngân hàng nhà nước, cục thống kê hay
toà án nhân dân, viện kiểm sát…, thì có thể tổ chức lại theo vùng hoặc tiểu
vùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét