Báo Phụ nữ TPHCM - 05/01/2024 - 06:53
PNO - Để phát triển, đồng bằng sông Cửu Long rất
cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn,
năng suất lao động cao hơn.
Quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ đã xác định tầm nhìn dài hạn, tư duy kiến tạo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chú trọng bảo vệ, tôn tạo, phát triển nền tảng văn hóa, xã hội và hệ sinh thái tự nhiên, coi tài nguyên nước là cốt lõi, lấy con người làm trung tâm… Mô hình phát triển này đòi hỏi bước chuyển căn bản về chất đối với nguồn nhân lực, trở thành động lực cơ bản và xuyên suốt trong phát triển vùng.
Không
thể phủ nhận những chuyển biến tích cực trong giáo dục, đào tạo nghề ở đồng
bằng sông Cửu Long thời gian qua. Nhưng sau hơn 2 thập niên chọn nhân lực là 1
trong 3 khâu đột phá, chất lượng nguồn nhân lực ở vùng này vẫn còn lạc hậu so
với các vùng, miền trên cả nước. Tây Nam Bộ đang xếp cuối bảng từ các chỉ số
giáo dục đại học, cao đẳng, lao động qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh
tế đến giáo dục mầm non, mẫu giáo và phổ thông.
Nguồn
nhân lực vẫn đang bị bó trong các “nút thắt” cần được tháo gỡ. Tỉ lệ lao
động qua đào tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long mới đạt 15%, thấp hơn cả Tây
Nguyên và thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 26%. Năng suất lao động
của vùng này cũng thấp hơn nhiều so bình quân chung cả nước. Tỉ lệ thất nghiệp,
thiếu việc làm của vùng thuộc nhóm cao so các vùng khác.
Cũng
do kinh tế khó khăn, chi phí học hành lớn, nhiều học sinh phổ thông đã bỏ học.
Trong khi đó, hàng loạt sinh viên ra trường không tìm được việc làm đang tác
động tiêu cực đến tâm lý của những gia đình đang gồng mình đầu tư cho giáo dục.
Báo
cáo kinh tế thường niên vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 của Liên đoàn
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra “3 vòng xoáy đi xuống” của
vùng là vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế
vùng. Trong đó, về lĩnh vực lao động, đang xảy ra tình trạng thiếu việc làm tại
chỗ, phần lớn người trẻ tuổi phải rời quê đến TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam
Bộ, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng về số lượng lẫn chất lượng lao động.
Thực
tế đó đòi hỏi có chiến lược đào tạo nhân lực, có các giải pháp tổng thể và mạnh
mẽ hơn để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tạo ra động lực phát triển
vùng. Cùng với chiến lược nhân lực quốc gia và các tỉnh, rất cần một chiến lược
nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và việc quy hoạch phát triển hệ thống
trường học, trường nghề phải dựa trên chiến lược này.
Cần
“hướng cầu” là thị trường lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp,
đơn vị trong vùng hơn là chủ yếu dựa vào năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất
của các trường. Phải thực sự gắn kết được lợi ích, sự tham gia tích cực của
doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo nhân lực của vùng, kèm
theo là các chính sách khuyến khích phù hợp. Cần quan tâm lồng ghép, kết nối,
tập hợp để tạo ra chuyển biến tốt hơn từ nhiều chương trình.
Hệ
thống giáo dục, đào tạo từ mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học đến các trường
nghề, hệ thống giáo dục xã hội trong vùng cần được quan tâm đầu tư để đủ sức
tạo ra sản phẩm nhân lực tốt hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội chứ không phải trông
chờ vào chính sách ưu tiên về chỉ tiêu đào tạo vốn chỉ tạo ra lợi thế ảo. Hoạt
động liên kết vùng trong phát triển nguồn nhân lực cần được tiếp tục tăng cường
về chất, nội dung, phương thức phù hợp hơn nữa.
Để
phát triển, đồng bằng sông Cửu Long rất cần những nguồn lực mới, những mô hình
phát triển mới với hiệu quả cao hơn, năng suất lao động cao hơn. Động lực cho
các mô hình mới này cần phải được bắt đầu chính từ nội lực của vùng, từ nguồn
nhân lực bậc cao, từ khoa học, công nghệ và từ doanh nghiệp. Vùng đồng bằng
sông Cửu Long không chỉ cần đầu tư để thoát khỏi vùng trũng về chất lượng nhân
lực mà rất cần biến chất lượng nhân lực thành một động lực phát triển vùng.
https://www.phunuonline.com.vn/de-bien-chat-luong-nhan-luc-thanh-dong-luc-phat-trien-a1509337.html
Nhận xét
Đăng nhận xét