VOV (dẫn bài VTC) - 26/04/2024, 10:51
Nhiều chuyên gia phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp để giải bài toán chủ động sống chung với hạn mặn.
Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, lần lượt các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Kiên Giang đồng loạt công bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt.
Trả lời VTC News, nhiều chuyên gia phân tích nguyên nhân, đồng thời đề xuất giải pháp để người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể “chủ động chung sống với hạn mặn” như tinh thần được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói trong buổi họp gần đây.
Bàn về giải pháp hạn chế xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, TS Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá điều quan trọng là phải thích ứng để cùng chung sống.
TS Trần Hữu Hiệp phân tích, trước đây chúng ta thực hiện "ngọt hóa" ở một số khu vực, chẳng hạn như "ngọt hóa" Cà Mau, "ngọt hóa" Gò Công vì ngày xưa mục tiêu là sản xuất lúa, vậy nên cần ngăn mặn, giữ ngọt.
Tuy nhiên, ngày nay mục tiêu có sự thay đổi, cơ cấu kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển nông nghiệp là thủy sản - trái cây - lúa gạo, việc thực hiện công trình thủy lợi không còn hướng đến chuyện ngăn mặn giữ ngọt như trước mà dịch chuyển sang điều tiết nước theo tiểu vùng quy hoạch tích hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi tiểu vùng lại có mục tiêu phát triển ưu tiên dựa vào lợi thế, chẳng hạn như có vùng ưu tiên phát triển thủy sản, có vùng ưu tiên trồng trái cây, có vùng lại ưu tiên trồng lúa gạo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động vào thời tiết hay nước biển dâng, từ đó dẫn đến xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn.
"Thách thức trước mắt khiến chúng ta phải thích ứng, không chống một cách cực đoan. Tôi nói thích ứng ở đây là lấy tài nguyên nước làm cốt lõi, lấy con người làm trung tâm. Đồng thời, chủ động thích ứng theo quy luật tự nhiên.
Thích ứng cũng không có nghĩa là chỉ ngồi không. Ngoài việc nương theo sự tác động của thiên nhiên, vẫn cần thực hiện những giải pháp phi công trình và công trình", ông Hiệp khẳng định.
Đối với giải pháp công trình, khi thực hiện cần tránh chuyện "hối tiếc", cần cân bằng tổng thể, cân đối giữa lợi ích với chi phí. Ở mỗi vùng cần đầu tư xây dựng trụ cột kinh tế, sau đó kết hợp với khoa học công nghệ, tài chính để gắn con người với nhau. Đối với những việc chưa chắc chắn thì không nên đầu tư quá lớn, đồng thời không “mặc đồng phục” cho tất cả các tỉnh, thành trong việc chống xâm nhập mặn.
"Chúng ta nói Đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn mặn nhưng thực tế không phải tất cả các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đều bị hạn mặn. Thời tiết khắc nghiệt cả vùng đều chịu, tuy nhiên thiếu nước ngọt chỉ xảy ra tập trung ở một số tỉnh, tôi lấy ví dụ là Cà Mau, Tiền Giang, còn như ở Cần Thơ vẫn có nước ngọt xài.
Chúng ta không thể đổ tiền cho tất cả các tỉnh, thành đều xây dựng công trình chống xâm nhập mặn được. Những công trình xây nên phải phục vụ cho kịch bản phát triển của từng địa phương cụ thể và quan trọng nhất là phải phù hợp", TS Trần Hữu Hiệp đánh giá thêm.
Với các giải pháp phi công trình, theo TS Trần Hữu Hiệp, chính quyền và người dân không nên đổ tiền vào các công trình cục bộ. Ở những vùng nền đất phù sa yếu, khi mặt nước thấp dễ dẫn đến chuyện sụt lún, sạt lở.
Cần phải hiểu rõ rằng việc liên tục ngăn nước bằng các cửa cống đóng chặn trong thời gian dài sẽ khiến mực nước trong sông, kênh giảm sút, từ đó chuyện sạt lở hay mất đất là điều khó tránh khỏi.
Vậy nên, ngoài nước ngọt thì cũng cần xem nước mặn, nước lợ là tài nguyên, từ đó thay đổi, thích ứng để phát triển kinh tế. Trong quá trình ngăn mặn, cần tránh các giải pháp cực đoan, thô bạo.
TS Trần Hữu Hiệp khuyến cáo, các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ cần thực hiện việc đo đạc, công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn ở người dân trong khu vực được tiếp cận kịp thời. Sự chủ động của người dân trong vấn đề thích ứng với hạn mặn là vô cùng quan trọng.
Đồng thời, các địa phương cũng cần điều tiết hệ thống thủy lợi phù hợp với độ mặn, hạn của từng nơi. Khi thực hiện các công trình phục vụ cho việc giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn cần đảm bảo tiến độ, tránh chuyện để người dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Thích nghi với xâm nhập mặn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dựa vào thiên nhiên để phát triển kinh tế ven biển, kinh tế xanh là bước đi phù hợp với vùng Tây Nam Bộ thời điểm hiện tại. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ dùng nước ngọt để trồng lúa, trồng cây, đào ao nuôi cá, quanh năm suốt tháng quanh quẩn cùng nền tảng phải có nước ngọt nên mải miết chạy theo chuyện ngăn mặn, giữ ngọt.
TS Trần Hữu Hiệp đánh giá cần mạnh dạn chuyển đổi mùa vụ, vật nuôi, thích ứng với mùa nước ngọt, mùa nước mặn, biến khó khăn thành ưu thế phát triển kinh tế vùng miền.
Đồng thời, TS. Trần Hữu Hiệp cũng khẳng định chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long - “Vựa lúa lớn nhất nước” không gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực như lo ngại của nhiều người.
“Chuyển dịch cơ cấu từ lúa gạo - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa gạo không có nghĩa là lúa gạo giảm đi gây mất an ninh lương thực. Điều mà chúng ta hướng đến là cơ cấu ưu tiên để khai thác. Lúa gạo không giảm bởi năng suất, giá trị, chất lượng như thế nào, quan trọng là cách chúng ta tiếp cận vấn đề.
Ngày xưa, cứ nhìn sản lượng mà nói, chẳng hạn lúc trước nói sản lượng 25 triệu tấn, bây giờ tôi bảo chỉ sản xuất 20 triệu tấn thôi nhưng bù lại giá trị lại cao hơn. Việt Nam không thiếu lương thực, cứ tầm vài tháng gieo trồng là đã có lúa gạo rồi.
Trên khắp cả nước, miền Trung, miền Bắc hay nhiều địa phương khác vẫn rải vụ ra được, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long này vẫn thực hiện rải vụ. Với cách sản xuất hiện tại, không thiếu lương thực hay mất an ninh lương thực khi chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi", TS. Trần Hữu Hiệp nói thêm.
Ông cũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra một cách nhanh chóng, thường xuyên, khốc liệt hơn. Người dân Tây Nam Bộ rất cần chiếc áo giáp về kinh tế để có "sức đề kháng" sống cùng thiên tai, biến đổi khí hậu.
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn - Nguyên Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu nêu 3 giải pháp để ứng phó với xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Nam Bộ gồm: Trữ nước, chuyển đổi sản xuất và tiết kiệm nước.
Theo PGS Lê Anh Tuấn, tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn vào vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long khá phổ biến và có nguy cơ càng ngày càng mở rộng ra phần diện tích bị ảnh hưởng. Để đối phó với các vấn đề này, quan trọng nhất phải điều tiết được lượng nước ngọt có sẵn cho hợp lý, đồng thời tìm phương án để chuyển đổi sản xuất, sống chung với xâm nhập mặn.
Theo đánh giá của PGS Lê Anh Tuấn, hiện nay người dân học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm từ 2 đợt hạn hán năm 2016 và 2020 nên thiệt hại về mặt nông nghiệp không nhiều.
“Người nông dân đã nghe khuyến cáo của các chuyên gia và cơ quan chức năng là họ xuống giống canh tác vụ Đông Xuân rất sớm nên tránh được khô hạn và bị nhiễm mặn. Tuy nhiên cũng có một số hộ dân thấy được giá lúa tăng nên xuống giống tiếp nên mới bị ảnh hưởng”, Nguyên Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu nói thêm.
Tuy nhiên, về mặt cơ sở hạ tầng, theo đánh giá của PGS Lê Anh Tuấn thì xâm nhập mặn năm nay gây thiệt hại lớn hơn 2 kỳ hạn lịch sử ở năm 2016 và 2020. Cụ thể, có một số địa phương làm công trình ngăn mặn, cống, đập ngăn mặn nhưng nước ngọt lại không đưa về được dẫn đến hiện tượng đất co lại nên bị sụt lún làm hư hỏng đường, nhà cửa, cầu cống.
“Điều này cho thấy, một khi chống đỡ với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn không đúng cách thì thiên nhiên cũng có những phản ứng bất lợi cho con người. Vì con người đã vô tình làm thay đổi điều kiện sinh thái, điều kiện đặc điểm của đất và nước ở vùng đó.
Cá nhân tôi nhận định đây là bài học của kỳ hạn năm nay, tức là thiệt hại về nông nghiệp thì ít mà thiệt hại về cơ sở hạ tầng thì tăng lên”, PGS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Để giảm thiểu thiệt hại trong những năm tới, PGS Lê Anh Tuấn khẳng định cần có những giải pháp tổng hợp.
Thứ nhất, khuyến khích người dân tìm mọi cách để giữ được nước mưa và nước lũ của mùa mưa trước càng nhiều càng tốt. Người dân có thể trữ nước trong lu, trong các bể xi măng, xây hồ chứa nước hoặc tận dụng trữ nước trong những cái ao, mương vườn nhà và sử dụng các biện pháp chống bốc hơi nước như lót bạt ni lông dưới đáy ao nhằm tránh nước ngấm xuống đất hoặc làm dàn che phía trên nhằm giảm bớt bốc hơi nước.
Riêng việc xây hồ chứa nước thì cần lưu ý không nên xây hồ quá to, quá tập trung vì những hồ đào quá sâu thì vô tình hồ đó lại hút hết nước của khu vực xung quanh. Do đó, nên xây những hồ tích nước nhỏ theo kiểu dạng phân tán, đừng làm hồ tập trung và nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Thứ hai, cần giảm bớt diện tích canh tác lúa và khuyến khích người dân vùng xâm nhập mặn chuyển đổi sản xuất. Thay vì trồng lúa thì chuyển sang trồng, canh tác các loại cây ít cần nước hơn hoặc là chuyển qua nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi cây trồng tùy thuộc vào từng vùng chứ không thực hiện đồng loạt một cách chung chung, không phù hợp.
Cụ thể, đối với vùng xâm nhập mặn ít nên chuyển đổi sang trồng một số cây chịu được mặn thì sẽ hợp lý hơn. Còn khu vực nào xâm nhập mặn nhiều thì nên chuyển qua canh tác thủy sản. Hoặc cũng có thể áp dụng mô hình lúa – tôm, tức là mùa mưa có nước ngọt để canh tác lúa, khi mùa khô nước mặn xâm nhập thì tận dụng nước mặn để nuôi tôm.
Thứ ba, cần phải có biện pháp lâu dài như nghĩ tới hệ thống ống dẫn nước từ thượng nguồn đi xuống các vùng ven biển cấp nước thô cho các nhà máy để cấp nước sạch cho người dân. Với lượng nước này thì phải đặt ra ưu tiên cho nước sinh hoạt và nước cho chăn nuôi. Sau đó, mới nghĩ tới nước cho thủy sản và các mục tiêu khác.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu về giải pháp lâu dài hơn là đưa nước xuống nước ngầm. Tức là bơm nước mưa xuống nước ngầm để trữ và mùa khô lấy lên sử dụng với điều kiện nước đó phải là nước sạch vì nước bị ô nhiễm là không bơm xuống nước ngầm vì chúng ta không thể xử lý được.
Ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ đánh giá hiện nay khu vực miền Tây Nam Bộ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt ngay giữa vùng sông nước.
Theo ông Quyết, đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, nguồn nước ngọt rất dồi dào trong mùa mưa. Khu vực này có đồng bằng bằng phẳng, nước ngọt tự nhiên chủ yếu do mưa cung cấp, ngoài ra còn có nguồn nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông.
Tuy nhiên do nền đất thấp, chênh lệch so với mực nước biển chưa tới 1m, vậy nên chỉ cần lượng nước trong sông, kênh rạch xuống thấp, nước thượng nguồn sông Mê Kông chưa kịp bổ sung thì nước biển dễ dàng xâm nhập vào.
Ông Quyết cho biết, hiện tượng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn bởi nguồn nước từ thượng nguồn, tác động bởi gió Đông Bắc. Khi nguồn nước thượng nguồn thấp, nước trong nội đồng, trên bề mặt sông, kênh, rạch được sử dụng nhiều cho sản xuất, sinh hoạt và còn lượng nước bị mất đi tự nhiên do bốc hơi, nếu kết hợp gió đông bắc mạnh, khi đó xâm nhập mặn diễn ra gay gắt hơn.
Ông Quyết nhận định, tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng tại một số địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay, bên cạnh nguyên nhân do tác động của biến đổi khí hậu thì còn có nguyên nhân gì khác từ tác động của con người.
Nhận xét
Đăng nhận xét