Báo Tuổi Trẻ - 02/04/2024 10:07 GMT+7
Tiềm năng, lợi thế không thua kém song lượng khách đến với Phú Quốc chỉ bằng một nửa so với đảo Phuket của Thái Lan và thua xa Bali của Indonesia, đảo JeJu của Hàn Quốc và quốc đảo Singapore.
"Định hướng phát triển Phú Quốc (Kiên Giang) nhanh, bền vững, trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố hiện đại, xanh, sạch đẹp, an toàn, là nơi đáng sống" - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu như vậy tại hội nghị tổng kết đề án phát triển đảo Phú Quốc diễn ra vào ngày 31-3.
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải và hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhất là chuỗi các điểm du lịch nổi tiếng như Singapore, Phuket, Bali, Hong Kong, Nhật Bản, JeJu.
Đảo ngọc là một mắt xích quan trọng để kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, giải trí tầm cỡ quốc tế.
Kết quả 20 năm triển khai thực hiện đề án phát triển đảo Phú Quốc đã tạo ra một thành phố đảo năng động, một trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp khu vực và thế giới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thời gian qua, việc đầu tư phần cứng trên đảo như "mở cổng trời" - sân bay quốc tế Phú Quốc; "mở cửa bể" - cảng biển quốc tế tổng hợp An Thới, Bãi Thơm được hoàn thành và Dương Đông đang xây dựng; các đường trục bắc - nam, vòng quanh đảo và tuyến xương cá đang hoàn thiện.
Những năm qua, Phú Quốc luôn là một đại công trường xây dựng, thu hút hơn 18 tỉ USD. Đến năm 2023, thu ngân sách của hòn đảo này đạt 7.812 tỉ đồng, tương đương với một vài tỉnh, tăng trên 113 lần so với năm 2004 và tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Phú Quốc khoác lên mình chiếc áo đô thị đặc thù - thành phố đảo đầu tiên của cả nước với nhiều kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái mới, những đột phá và giá trị mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế biển, du lịch biển đảo chất lượng cao.
Thành phố Phú Quốc tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn 20 năm trước phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới để thật sự trở thành một điểm sáng trong chuỗi các đảo du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới, nhưng cũng chính là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới đòi hỏi nhiều sáng tạo hơn.
Tiềm năng, lợi thế không thua kém song lượng khách đến với Phú Quốc chỉ bằng một nửa so với đảo Phuket của Thái Lan và thua xa Bali của Indonesia, đảo JeJu của Hàn Quốc và quốc đảo Singapore.
Đây là thực tế cần phải nhìn nhận rõ để tìm ra nguyên nhân thúc đẩy phát triển nhằm mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế trong tương lai.
Pháp luật hiện hành chỉ xác định mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà không có chính quyền "thành phố đảo", thực tế Phú Quốc chỉ có thẩm quyền của một đơn vị cấp huyện.
Hệ lụy của sự phát triển nóng như những yếu kém trong quản lý đất đai, trật tự đô thị, đảm bảo môi trường, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố đảo xanh, sạch, đẹp, một trung tâm du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách.
Định hướng, tầm nhìn phát triển đảo và thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải có thêm "áo mới" cho Phú Quốc, từ đó mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, có thêm các giải pháp, nguồn lực và cách thức huy động, sử dụng nguồn lực.
"Chiếc áo pháp lý" về "thành phố đảo" cho Phú Quốc là cần thiết với kỳ vọng tạo ra cơ chế phát triển vượt trội so với lối mòn của huyện đảo, nhưng điều quan trọng là những giá trị thực sự mà nó mang lại.
Phú Quốc trong tương lai cần được định hình dài hạn, cần một không gian xanh, sạch, đẹp, kiểu mẫu gắn với cảnh quan biển với chức năng đô thị được xây dựng trong mối quan hệ với ĐBSCL, cả nước và trong mối quan hệ gắn bó với các đô thị lớn của các nước ASEAN và trên thế giới.
"Chiếc áo pháp lý mới" từ quyết định 150 ngày 6-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 được "mặc" vào cho đảo ngọc phải tạo được sự chuyển biến mang tính đột phá hướng đến tương lai bền vững cho đảo ngọc.
https://tuoitre.vn/sao-phu-quoc-chua-bang-phuket-jeju-20240402081319166.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét