(Chinhphu.vn) - 22/06/2022 14:26
Ngày 21/6, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL, được lồng ghép “6 trong 1”. Nội dung bản Quy hoạch nổi lên các điểm sáng: “2 nhất, 3 trụ cột, 4 mới”.
Theo
đó, "2 nhất" vì đây là bản quy hoạch tích hợp cấp vùng đầu tiên của
cả nước được lập theo Luật Quy hoạch, được tổ chức công bố dưới sự chủ trì của
Thủ tướng. "Ba trụ cột" phát triển bền vững vùng bao gồm kinh tế, xã
hội và môi trường được xây dựng trên nền tảng văn hóa bản địa, lấy con người
làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi, chuyển đổi mô hình sinh kế theo
hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các tác động
ngoại cảnh cũng như quản trị tốt các yếu tố nội vùng. "Bốn mới" được
tích hợp từ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".
Hội
nghị được tổ chức lồng ghép "6 trong 1". Cùng với việc công bố Quy
hoạch là triển khai đồng bộ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; xúc
tiến, kêu gọi đầu tư; quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người ĐBSCL qua
triển lãm ảnh nghệ thuật "Khát vọng phát triển" và công bố cam kết
tài trợ của nhóm 6 ngân hàng. Đây được xem là "hội nghị hành động" để
tạo ra nguồn lực mới hiện thực hóa Quy hoạch vùng.
Chăm lo sức khỏe cho đồng bằng
Vùng
châu thổ này đang đối mặt với các thách thức ở nhiều cấp độ khác nhau, từ
nội vùng, liên vùng, khu vực hạ lưu Mekong và cấp độ tác động toàn cầu do thiên
tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thách thức còn bị nhân lên từ hoạt động kinh
tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy làm mất cân bằng sinh thái, cạn
kiệt tài nguyên nước và cát, trong khi quản lý Nhà nước "thiếu phối hợp,
thừa chồng chéo". Hạn mặn gay gắt, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển
nghiêm trọng, ngập lụt đô thị thường xuyên; sản xuất thủy sản, trái cây, lúa
gạo nhiều sản lượng nhưng chỉ "mang vác nặng", khó tiêu thụ, lợi
nhuận thấp; hạ tầng giao thông, logistics thấp kém, người đồng bằng xuất cư đi
nơi khác tìm kiếm việc làm đến mức báo động…
Thực
trạng đó cho thấy một đồng bằng không chỉ đứng trước các thách thức mà những
thách thức ấy đang tích lũy, liên hoàn và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn,
dễ gây tâm lý e ngại về tương lai, đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Nhưng nếu sa
đà vào cách thức "đau đâu trị đó, mé nhánh, tỉa cành" sẽ tiếp tục nảy
sinh nhiều hệ lụy khác. Thực tiễn phát triển vùng ĐBSCL đang đòi hỏi phải nhận
diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp
giải quyết liên ngành.
Quy
hoạch tích hợp vùng ĐBSCL được xem là sản phẩm của việc "chuyển hướng
chiến lược" trong tư duy phát triển vùng, từ "khai thác tối đa tiềm
năng, thế mạnh" sang "thích ứng thuận thiên", phục hồi và tăng
cường "sức khỏe" cho đồng bằng, biến thách thức thành cơ hội; lấy con
người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi trong suốt quá trình phát
triển.
Bản
Quy hoạch không chỉ nhận diện "nguy cơ" mà còn xác định rõ "thời
cơ" để vùng đồng bằng này chuyển đổi sang mô hình phát triển mới theo
hướng tăng giá trị, phát huy các nguồn lực tự nhiên, con người, khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
ĐBSCL
đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, có thể là hình mẫu
phát triển, nâng cao sức chống chịu, thích ứng và vươn lên mạnh mẽ của một đồng
bằng trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác
động tiêu cực của vấn đề nước xuyên biên giới
Bố trí không gian, huy động nguồn lực
Vấn
đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các
nguồn lực phát triển với mục tiêu đưa vùng này thành nơi đáng sống đối với
người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư cùng với các cộng
đồng dân cư chung sống thịnh vượng và năng động.
Quy
hoạch bố trí 4 hành lang phát triển vùng, gồm: Hành lang kinh tế đô thị - công
nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu; hành lang
kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang và hành lang biên giới từ
Long An đến Kiên Giang. Bốn khu vực phát triển động lực, gồm: TP. Cần Thơ trung
tâm vùng; Tứ giác động lực Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; các trung
tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với hệ thống các đô thị loại I có vai trò trung
tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng và phát triển Phú Quốc
gắn kết với hệ thống đô thị ven biển, đô thị đảo để trở thành một cực phát
triển kinh tế biển quan trọng trong không gian biển quốc gia.
"Trục
xương sống" của vùng vẫn là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và chất
lượng nguồn nhân lực. Ba khâu then chốt này vẫn được coi là chiến lược quan
trọng nhất của Quy hoạch vùng. Quy hoạch vùng ĐBSCL xác định rõ, phát triển hệ
thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế,
trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến
năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc;
khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng
hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Hạ tầng thủy lợi được
xây dựng đồng bộ phù hợp với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến
đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời bảo đảm chủ động kiểm soát
lũ, ứng phó với lũ cực đoan, phòng, chống sạt lở.
Để
đạt được yêu cầu đó, phải huy động vốn đầu tư toàn xã hội, sức lực, trí tuệ của
các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền các cấp,
kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của người
dân. Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL, nhóm 6
ngân hàng phát triển công bố mức vốn 2,2 tỷ USD từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi
khác để đầu tư theo định hướng đầu tư và bố trí không gian quy hoạch vùng.
Hiện thực hóa Quy hoạch vùng bằng thực thi
"Tư
duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới", những ý tưởng mới,
tinh thần mới, nội dung mới đã được thể hiện trong Quy hoạch, được tổ chức công
bố rộng rãi, kêu gọi nguồn lực đầu tư xã hội cùng với ưu tiên bố trí vốn đầu tư
công và yêu cầu liên kết vùng là quan trọng; nhưng quan trọng hơn vẫn là việc
triển khai trong thực tế. Theo đó, 4 nhóm giải pháp cần thống nhất, triển khai
đồng bộ:
Một là, cơ
chế, chính sách bảo đảm liên kết vùng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế điều phối
vùng, tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng. Các
cơ chế, chính sách tạo sự liên kết giữa các địa phương, phát huy sức mạnh tổng
hợp, định vị lợi thế cạnh tranh. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển
chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với
các nhóm sản phẩm chủ lực của vùng.
Hai là,
tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công,
thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân; những
việc, lĩnh vực mà tư nhân có thể thực hiện cần được tạo điều kiện cho tư nhân.
Thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho
vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Với nguồn lực có hạn, việc
lựa chọn mục tiêu trọng tâm, lựa chọn khâu đột phá, khắc phục tình trạng dàn
trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư là yêu cầu quan trọng hàng
đầu. Cần nghiên cứu, huy động nguồn lực triển khai chương trình hỗ trợ cấp vùng
cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn.
Ba là,
tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch; đầu tư và phát triển hạ tầng
theo Quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các "điểm
nghẽn" phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, thích ứng biến đổi
khí hậu phù hợp với Quy hoạch vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách
về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các
dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải bảo đảm thống nhất, tính liên vùng,
liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.
Bốn là, nhóm
giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ
cần được xem là chìa khóa thành công trong phát triển vùng. Theo đó, ưu tiên
phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của
vùng và tăng cường đào tạo, thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay
nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động của các trung tâm đầu mối với hệ thống các
viện nghiên cứu và trường đại học trong vùng cũng như ngoài vùng, cả các tổ
chức quốc tế và các quỹ có quan tâm và ưu tiên đầu tư cho vùng.
Tầm
nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú,
thịnh vượng trong tương lai đến nhanh hay chậm đang đòi hỏi những nỗ lực vượt
qua các thách thức, tận dụng thời cơ, hành động đột phá và không hối tiếc. Diện
mạo tương lai đồng bằng đã được định hình rõ, cần những gam màu sáng bằng tư
duy, cách tiếp cận và hành động thực tế.
https://baochinhphu.vn/cong-bo-quy-hoach-vung-dbscl-2-nhat-3-tru-cot-4-moi-102220620103031187.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét