Báo Tuổi Trẻ - 18/03/2024
10:09 GMT+7
Miền
Tây đang phải gồng mình chống chọi với đợt cao điểm nắng nóng và hạn mặn khốc
liệt, nguồn nước ngọt sông Mekong khan hiếm do tác động tiêu cực từ thượng
nguồn.
Những nguyên nhân nội tại và bên ngoài của tình
trạng này đã được nhận diện và không khó để dự báo. Vấn đề là các giải pháp ứng phó
trước mắt và lâu dài trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm
nay khốc liệt hơn, diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn và có nhiều thay đổi thất
thường hơn.
Trước mắt cần công bố và cập nhật thường xuyên bản
đồ hạn, mặn qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội phổ biến, trên các phương
tiện thông tin đại chúng để người dân từng tiểu vùng sinh thái kịp thời theo
dõi, chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất cho phù hợp, giảm thấp nhất
mức độ thiệt hại.
Cống Cần Chông, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh (đợt hạn, mặn 2016) |
Nhiều người cho rằng việc đầu tư cống ngăn mặn rồi
bỏ không suốt thời gian dài gây lãng phí. Vì vậy rất cần chủ động điều tiết hệ
thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt, phù hợp mức độ hạn mặn. Hoàn
thiện, đưa vào sử dụng các công trình đầu tư theo đúng tiến độ, các dự án trữ
nước, đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Không phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn một cách
cực đoan theo kiểu "mặc đồng phục" cho tất cả các địa phương, các
vùng. Cần dựa vào yêu cầu, ưu tiên phát triển và điều kiện thực tế của địa
phương để thích ứng.
Bên cạnh những giải pháp cấp bách và xử lý tình
huống, cần các giải pháp dài hạn; có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ trên
nhiều lĩnh vực.
Việc lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất nghiên cứu dẫn
nước từ sông Đồng Nai về để sử dụng, tỉnh Cà Mau đề xuất dẫn nước ngọt từ sông
Hậu về để giải quyết tình trạng sạt lở, sụp lún và thiếu nước ngọt sử dụng
trong mùa khô... là những sáng kiến đáng ghi nhận, cần tính toán cụ thể để sớm
triển khai các dự án lớn như vậy để giải quyết vấn đề từ xa.
Muốn thực hiện được phải có những luận chứng khoa
học và thực tiễn, đảm bảo nguồn vốn và đặc biệt là tính liên kết vùng, liên
ngành.
Chúng ta đã có không ít bài học kinh nghiệm được -
mất từ phong trào làm kinh nổi trên đồng thập niên cuối 1970 và 1980, đến
các công trình thủy lợi lớn trong vùng như xây
cống đập Ba Lai, dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau.
Hay việc nhiều địa phương triển khai hàng loạt các
dự án hồ trữ nước ngọt mấy năm qua, hiệu quả đến đâu cần được tổng kết rút kinh
nghiệm, lấy khoa học công nghệ làm luận cứ và thực tiễn làm thước đo.
Lịch sử hình thành và phát triển vùng ĐBSCL có vai
trò quan trọng của một số con kinh đào như kinh Vĩnh Tế ghi dấu một thời khẩn
hoang triều Nguyễn. Kinh Chợ Gạo nối liền lục tỉnh Nam Kỳ với Sài Gòn - Chợ Lớn
- TP.HCM. Kinh xáng Xà No và hệ thống "kinh ngàn" xương cá làm nên
"con đường lúa gạo miền Hậu Giang".
Nhờ đào kinh thủy lợi, dẫn thủy nhập điền mà từ rất
sớm, lúa gạo Nam Kỳ đã xuất cảng đi nhiều quốc gia trên thế giới. Trong thời kỳ
đổi mới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt với hệ thống thủy lợi thoát lũ ra biển Tây đã để
lại dấu ấn phát triển vùng và làm phong phú thêm kinh nghiệm trị thủy của cha
ông.
Trong điều kiện ngày nay vẫn cần những công trình
thủy lợi lớn phục vụ sản xuất và dân sinh. Những giải pháp công trình rất cần,
nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu.
Chính quyền và
người dân không thể ngồi chờ qua hạn mặn mỗi năm, nhưng cũng không nên đổ tiền
vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu "chi
phí - lợi ích" và nguyên tắc "không hối tiếc" cần được đặt ra
trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình nào.
https://tuoitre.vn/tu-kinh-nghiem-tri-thuy-cua-cha-ong-20240318083647565.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét