Trần Hữu Hiệp
Báo Đại Đoàn kết • 02/01/2024
17:58
Năm 2023 kết thúc, lúa gạo tiếp tục tạo ra kỳ tích mới. Xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm nay tuy không đạt đỉnh cao nhất về lượng với 7,753 triệu tấn, nhưng lập kỷ lục về kim ngạch với 4,408 tỷ USD. Đây là mức cao nhất sau 34 năm nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Hạt gạo Việt đang tạo ra bước chuyển mới.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa vụ Thu Đông trong niềm vui được mùa, được giá. Ảnh: Thành Nhơn.
Từ gian khổ đến vinh quang
Việt Nam là nước có truyền thống trồng lúa, nền văn
minh lúa nước có lịch sử mấy nghìn năm. Từ xa xưa các vị vua hiền đã rất trân
trọng giữ gìn những giá trị từ hạt gạo. Lễ Tịch điền hằng năm, vua xuống ruộng
cày đầu năm là cách thức các triều đại phong kiến Việt Nam khuyến nông một
ngành kinh tế quan trọng của quốc gia và vinh danh những người trồng lúa.
“Hạt gạo một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng.
Đất nước có từ ngày đó” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Đời sống dân Việt gắn
liền với lúa gạo, theo đến cuối đời, vui buồn đều có mặt. Cơm gạo hiện diện
hằng ngày qua mỗi bữa ăn của người giàu lẫn người nghèo. Lễ thôi nôi (đầy năm)
luôn có nắm xôi (cơm nếp) bên cạnh cục đất, cây viết … cho đứa bé chọn lựa với
mong ước sau này lớn lên có ruộng, có vườn cùng với kiến thức để mưu sinh. Mời
tiệc nhau người ta gọi là “dùng cơm thân mật”. Ở nhiều nơi, người Việt chào
nhau bằng câu “ăn cơm chưa?”.
Nhìn lại hành trang bao thế hệ của những người nông
dân Nam bộ vượt sông Tiền, sông Hậu đi khai phá Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long
Xuyên, bán đảo Cà Mau mang theo “cơm gói mo cau, khăn rằn quấn cổ” để góp sức
tạo ra “vựa lúa quốc gia”. Từ cây lúa ma, lúa nổi, lúa trời thích ứng “thuận
thiên, hợp địa, giao thủy” của tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); từ lúa
để ăn đến lúa hàng hóa đi khắp năm châu. Vùng này đã từng là trọng điểm xuất
khẩu gạo từ rất sớm. Từ những năm 1860, Nam Kỳ lục tỉnh đã có gạo xuất khẩu, là
nguồn cung gạo ăn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm 1970 – 1980, Việt
Nam là nước thiếu lương thực, nhưng từ năm 1989, chỉ sau 3 năm Đổi Mới, khi
tham gia xuất khẩu gạo trở lại, nước ta đã nhanh chóng nằm trong top 3 quốc gia
xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Hạt gạo Việt không chỉ trên đỉnh vinh quang của
“vựa lúa quốc gia, chén cơm châu Á” nhìn từ ĐBSCL, mà còn có vẻ đẹp kỳ vĩ của
những thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, tạo ra bản sắc văn hóa, du lịch hấp
dẫn. Hay những cánh đồng chiêm trũng đồng bằng sông Hồng của những người nông
dân gian khó từng là “nồi cơm” của người Việt…
Năm châu ngắm nhìn hạt gạo Việt đầy ngưỡng mộ và nó
thực sự xứng đáng được đặt vào vị trí trang trọng nhất trong cuộc chiến bảo đảm
an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng chống đói nghèo thế giới.
Năm 2023 kết thúc, lúa gạo tiếp tục tạo ra kỳ tích
mới. Xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm nay tuy không đạt đỉnh cao nhất về lượng
với 7,753 triệu tấn, nhưng lập kỷ lục về kim ngạch với 4,408 tỷ USD. Đây là mức
cao nhất sau 34 năm nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Gạo
Việt đã vượt qua gạo Thái, đang có giá bán cao nhất. Hạt gạo Việt đang tạo ra
bước chuyển mới từ lượng sang chất, từ nền sản xuất lúa gạo sang kinh tế lúa
gạo.
Không gian phát triển lúa gạo
Nhưng kỳ tích lúa gạo không phải là một đảm bảo
chắc chắn cho thành công tới trong tương lai. Xuất khẩu gạo giá cao, nhưng
doanh nghiệp kinh doanh lương thực cũng đứng trước nhiều thách thức. Xét trên
tổng thể, nhiều năm qua, ngành hàng lúa gạo vẫn đang bị chặt ra thành nhiều
khúc theo kiểu mua đứt, bán đoạn, nên người này được, thì người kia mất.
Khi vật tư nông nghiệp, dịch vụ đầu vào tăng, được
lợi cho doanh nghiệp, thì đẩy gánh nặng sản xuất lên người nông dân. Trong khi
cải tiến sản suất, năng suất trồng lúa tăng sắp đến ngưỡng, lúa trúng mùa, được
giá, nông dân mừng, thì doanh nghiệp than lỗ vì phải ký hợp đồng xuất khẩu
trước giá thấp, phụ thuộc thương lái, mua lúa nguyên liệu giá cao do thị trường
biến động.
Cần phải có cách tiếp cận mới để “chiếc bánh lúa
gạo” lớn thêm với cách chọn lựa “con đường lúa gạo mới”. Theo Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thì “chỉ khi nào không gian giá
trị lớn hơn không gian chúng ta nhìn thấy là bao nhiêu héc ta lúa, bao nhiêu
tấn lúa trên đồng, tức chuyển từ đơn giá trị của hạt lúa sang đa giá trị, thì
lúc đó sẽ giải quyết hài hòa, chiếc bánh sẽ lớn hơn”.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh
lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang
rất được kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới. Không gian phát triển lúa
gạo trọng điểm đang được cụ thể hóa trong một không gian vật lý cụ thể. Đó còn
là sự tích hợp với các nguồn lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên, các nguồn tài
chính, khoa học công nghệ; đặc biệt là nguồn lực con người trong mối liên kết
các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo gồm các doanh nghiệp, hợp
tác xã và nông dân. Việc gia tăng giá trị từ việc sản xuất lúa giảm phát thải
nhà kính để có thể bán tín chỉ carbon cũng là cách tiếp cận kinh tế mới, mang
nhiều trách nhiệm xã hội và môi trường.
Ngành kinh tế lúa gạo đang được tiếp cận theo tư
duy khác trước, đánh dấu một bước chuyển lịch sử. Từ đơn ngành, đơn giá trị
sang kết nối đa ngành, tích hợp đa giá trị để mang lại đa thu nhập, đa lợi ích,
giải quyết những bất cập của ngành trồng lúa, thu nhập bấp bênh của người nông
dân bằng cách cân bằng lợi ích dựa trên ba trụ cột phát triển kinh tế, xã hội
và môi trường.
Bài toán phát triển cây lúa và thu nhập của người
trồng lúa được đặt trong bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp thông minh và
nông thôn hiện đại. Vì vậy, chúng ta đang cần là sản xuất lớn hơn, ứng dụng
công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp hơn, kết hợp chế biến sâu, đổi mới sáng
tạo để tạo ra nhiều giá trị hơn từ hạt lúa bằng cách phát triển các ngành công
nghiệp sau gạo, thương hiệu hóa sản phẩm để ngành hàng lúa gạo có giá trị gia
tăng gấp nhiều lần.
Không gian phát triển lúa gạo đang mở ra phía trước
từ tư duy mới, cách tiếp cận mới và cách thức giải bài toán lúa gạo và chọn con
đường lúa gạo mới cho Việt Nam.
“
Theo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024, vùng
ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa
tập trung vào những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong
nước và xuất khẩu. Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây
dựng tại ĐBSCL đã giúp ngành lúa gạo có thể đối phó với tình hình biến đổi khí
hậu. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt
5 triệu tấn gạo và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm
tới.
Cần phải có cách tiếp cận mới để “chiếc bánh lúa
gạo” lớn thêm với cách chọn lựa “con đường lúa gạo mới”. Theo Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thì “chỉ khi nào không gian giá
trị lớn hơn không gian chúng ta nhìn thấy là bao nhiêu héc ta lúa, bao nhiêu
tấn lúa trên đồng, tức chuyển từ đơn giá trị của hạt lúa sang đa giá trị, thì
lúc đó sẽ giải quyết hài hoà, chiếc bánh sẽ lớn hơn”.
https://daidoanket.vn/con-duong-lua-gao-moi-10270455.html
Nhận xét
Đăng nhận xét