Trần Hữu Hiệp
Báo Phụ nữ TPHCM
- 01/02/2024
- 06:19
PNO - Một bức tranh
giao thông mới của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang sáng lên từ góc nhìn năm
2024.
Sau bao năm dài chờ đợi và khao khát, vùng đồng bằng
sông Cửu Long đang bước vào thời kỳ tăng tốc xây dựng hạ tầng giao thông. Hệ
thống giao thông hàng không, hàng hải, đường thủy, đường bộ được quan tâm đầu
tư, nhiều công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng
hoặc đang được thi công, chuẩn bị được khởi công.
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, là yếu tố tạo
ra không gian thông suốt để liên kết vùng, cũng chính là “long mạch” của vùng
đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển hạ tầng giao thông là mệnh lệnh phát triển
vùng. Quy hoạch của 13 tỉnh, thành phố trong vùng được lồng ghép với các quy
hoạch giao thông đường thủy, đường bộ, đường biển và hàng không đang hiện thực
hóa bức tranh giao thông vùng đồng bằng trù phú này.
Hệ thống đường cao tốc, các trục dọc, đường ngang,
đường vành đai ven biển phía đông và phía tây kết nối với các trục giao thông
liên tỉnh, đường xương cá đang mở ra không gian phát triển mới, kết nối các
cụm, tuyến, điểm đến du lịch. Trong đó, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc
Trăng là trục ngang chiến lược, mở cánh cửa phía tây sang Campuchia, cửa ngõ ra
Biển Đông nối với siêu cảng biển nước sâu Trần Đề trong tương lai. Tuyến đường
này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kết nối các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc
Trăng và TP Cần Thơ, liên kết các tiểu vùng bán đảo Cà Mau, khu phía tây sông
Hậu, tứ giác Long Xuyên...
Mạng lưới giao thông đường bộ của vùng đồng bằng sông
Cửu Long được hình thành với 6 trục dọc và 9 trục ngang, nhưng còn một số tuyến
ngang kết nối nội vùng, liên vùng và cầu vượt sông Tiền, sông Hậu chưa hoàn
thành. Trong đó, có cầu Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng), cầu Rạch Miễu 2 (tỉnh Bến tre),
cầu Đình Khao (nối tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre)… đang được kỳ vọng góp phần
quan trọng tháo nút thắt, thông các tuyến huyết mạch.
Chúng ta kỳ vọng về một diện mạo mới cho giao thông
các tỉnh vùng này nhưng cũng cần tập trung nhiều hơn nữa, không để xảy ra
tình trạng phổ biến lâu nay là đường chờ cầu hay cầu phải chờ đường, đường lớn
chờ đường nhỏ kết nối; tình trạng thắt cổ chai do chậm tiến độ các công trình
đầu tư kết nối. Cần triệt để tháo những nút thắt lớn là thiếu vốn đầu tư, thi
công chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ theo kiểu ngắt khúc.
Để phát triển giao thông trong vùng này, cần giải bài
toán “vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn”. Cần kết nối các công trình hiệu quả, giải
quyết tình trạng thiếu cát san lấp nền đường, khắc phục tình trạng thi công chậm.
Cần sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp, phối hợp đồng bộ, hiệu quả.
Việc phát triển giao thông phải gắn liền với yêu cầu
phát triển hạ tầng logistics, đảm bảo các yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và
thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Các tỉnh, thành trong vùng cần
chủ động gắn kết sự phát triển địa phương với quy hoạch vùng, tận dụng mọi cơ
hội mà các công trình giao thông trọng điểm mang lại.
Các cơ quan trung ương và địa phương có công trình đi qua cần tập trung cao cho
giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, tăng cường phối hợp trong
thực hiện; xây dựng bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành khai
thác chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong vận hành, khai
thác công trình để giao thông trên đất Chín Rồng thật sự thoát khỏi “vùng
trũng”. Một bức tranh giao thông mới của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang
sáng lên từ góc nhìn năm 2024.
https://www.phunuonline.com.vn/buc-tranh-giao-thong-dang-sang-len-a1511276.html
Nhận xét
Đăng nhận xét