TS Trần Hữu Hiệp
Liên kết giữa các tỉnh, thành ĐBSCL; liên kết ĐBSCL với TP HCM và các vùng, miền đã được nhận diện thời gian qua, là yêu cầu để phát triển bền vững. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, nổi lên các kết quả bước đầu quan trọng.
Chính quyền các địa phương đã ban hành quy chế phối hợp, triển khai các chương trình hợp tác song phương, đa phương; huy động, bố trí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Những kết quả hợp tác tích cực có sức lan tỏa trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực và an sinh xã hội; đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung.
Các doanh nghiệp đã tìm kiếm được nhiều cơ hội kinh doanh, phát huy lợi thế của nhau, vượt qua ranh giới hành chính địa phương, tạo ra không gian phát triển mới. Hoạt động liên kết vùng giúp việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, logistics kết nối nội vùng, liên vùng đồng bộ hơn. Liên kết vùng khuyến khích phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực, sản phẩm du lịch đặc thù. Liên kết vùng trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và đào tạo nguồn nhân lực cũng là một trong những điểm sáng đáng ghi nhận thời gian qua.
Tuy nhiên, một số thỏa thuận liên kết còn chung chung, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, mang tính hình thức, nặng cam kết, hứa hẹn, chưa có cơ chế vận hành thường xuyên và phối hợp thực chất. Một vài liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, chưa phát triển các ngành công nghiệp chủ lực hay công nghiệp hỗ trợ; chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành.
Thể chế liên kết vùng nói chung vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Vai trò của các chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là cấp trung ương, chưa thể hiện rõ. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực thực tế và hiệu quả cao nhất đã tác động đến hiệu quả thực chất của các chương trình, nội dung liên kết hợp tác giữa TP HCM với ĐBSCL. Làm gì để mối quan hệ hợp tác này thiết thực, hiệu quả hơn, điều đó cần lời đáp trong thực tiễn.
Thời gian tới, liên kết nội vùng ĐBSCL và hợp tác liên vùng với TP HCM cần tập trung ưu tiên cho mục tiêu phát triển chung, tạo lập không gian kinh tế chung, phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nhau. Cần lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết hợp tác, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, bảo đảm tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau. Đồng thời, rất cần sự tham gia, điều phối của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương theo từng lĩnh vực. Cần hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước.
Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị lại vùng này, bố trí không gian, huy động các nguồn lực phát triển và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi và nguồn nhân lực là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng để hướng tới những mục tiêu phát triển nêu trên. ĐBSCL không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình. Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng là tất yếu, khách quan, là mệnh lệnh của sự phát triển, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.
https://nld.com.vn/menh-lenh-phat-trien-196240428174235665.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét