TRẦN HỮU HIỆP
Báo Tuổi Trẻ - 25/12/2021
09:45 GMT+7
TTO - Đến hẹn lại lên, nhìn hình ảnh hàng hóa ùn ứ, hư hỏng ở biên giới sẽ thấy ngay cái khó, nỗi khổ chất chồng, không chỉ của nông nghiệp, doanh nghiệp và nhà nông.
Hàng ngàn xe container chở nông sản đang ùn ứ tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn gần một tháng nay - Ảnh: NAM TRẦN |
Đến hẹn lại lên
Yêu cầu trước mắt là phải tập trung phối hợp với
phía Trung Quốc giải quyết nhanh tắc nghẽn, tránh thiệt hại nặng nề cho doanh
nghiệp, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa cuối năm và đà mở cửa khôi phục kinh tế.
Nhưng nếu chỉ tập trung xử lý trước mắt đầu ra, chỉ
là chạy theo phần ngọn mà quên phần gốc thì căn bệnh "mắc nghẹn ở cửa
khẩu" cứ tái diễn.
Giải pháp căn cơ, lâu dài là phải tổ chức sản xuất
nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác,
phát triển chuỗi dịch vụ logistics, thông tin thị trường, hệ thống kết nối dữ
liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của
nước nhập khẩu, đảm bảo các chuỗi sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng xuất khẩu
đủ mạnh, thích ứng, không bị đứt gãy.
Năm 2021, trước tác động nặng nề của đại dịch, xuất
nhập khẩu vẫn là điểm sáng, dự báo xác lập kỷ lục mới với tổng giá trị hơn 660
tỉ USD, tăng 21% so năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 331 tỉ USD, tăng hơn
17%. Đây cũng là lần đầu tiên cán cân thương mại xuất siêu kỷ lục khoảng 2,1 tỉ
USD.
Dự kiến có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ
USD, trong đó các nhóm hàng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tiếp tục có những
đóng góp quan trọng.
Tuy nhiên, sau mảng sáng của bức tranh là điểm tối
liên quan đầu vào - đầu ra, xuất nhập khẩu hàng hóa rất cần được quan tâm. Tình
trạng ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc hiện nay là chỉ dấu, một hiệu ứng dây
chuyền tất yếu của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa cần được tập trung giải
quyết hơn là chạy theo xử lý tình huống.
Phải thừa nhận Trung Quốc vẫn là một thị trường
lớn, một bạn hàng truyền thống mà nhiều doanh nghiệp không thể từ bỏ. Nhiều năm
qua quốc gia này luôn chiếm tổng giá trị kim ngạch, tỉ trọng áp đảo trong cơ
cấu các thị trường xuất - nhập khẩu của nước ta, từ nông, lâm, thủy sản, nguyên
liệu cho các ngành sản xuất hóa chất, vật tư nông nghiệp, công nghiệp chế biến,
ngành dệt, hàng tiêu dùng.
Quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc nhìn
từ các cửa khẩu đã bộc lộ nhiều cái khó chưa được khắc phục căn bản nên tình
trạng "mắc nghẹn cửa khẩu" vẫn cứ diễn ra như một điệp khúc đến hẹn
lại lên.
Nâng vị thế hàng Việt
Trong khi các doanh nghiệp bị lệ thuộc thị trường
xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang đứng ngồi không yên, thì nhiều doanh
nghiệp đang có thị phần xuất khẩu ở các thị trường khác như Hoa Kỳ, châu Âu,
Đông Á vẫn đang đà tăng tốc về đích cuối năm.
Hoa Kỳ trở thành bạn hàng nhập khẩu lớn nhất của
nước ta. EU, Đông Á trở thành bạn hàng ngày càng quan trọng của các doanh
nghiệp chuyển đổi tốt và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
thế hệ mới mà chúng ta ký kết.
Các chuyến thăm châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia
của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã, đang và sẽ diễn
ra với các trọng tâm ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại
cần được các bộ, ngành trung ương, địa phương và doanh nghiệp tận dụng tối đa
để làm đẹp hơn nữa đầu vào - đầu ra hàng hóa, dịch vụ để ít lệ thuộc hơn vào
một thị trường nhiều rủi ro như vừa qua.
Điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp nên từ
bỏ một thị trường lớn, lâu năm, nhiều tiềm năng mà cần nâng chất và nâng cao vị
thế của một đối tác.
Bước chuyển đó của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ
tích cực của các tổ hợp đủ mạnh để chủ động ứng phó. Cần đẩy nhanh hơn tốc độ
số hóa các ngành kinh tế và ngành thương mại.
Không thể khuyến cáo doanh nghiệp "điều
tiết" nguồn cung hàng hóa ra các cửa khẩu hợp lý để tránh ùn ứ, trong khi
họ thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu các dịch vụ hậu cần logistics tích hợp đa chức
năng có thể đáp ứng yêu cầu chế biến, bảo quản, trữ lạnh nông sản.
Để chữa trị chứng
"mắc nghẹn" của các cửa khẩu, cần những liều thuốc trước mắt, các
biện pháp ngắn hạn, nhưng quan trọng hơn vẫn là hệ thống cơ chế, chính sách,
giải pháp căn cơ, lâu dài, cần thiết phải có sự kết nối đa ngành và phối hợp
liên ngành, từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa
đến quản lý xuất nhập khẩu.
https://tuoitre.vn/nghen-hang-hoa-o-cua-khau-nhin-dau-ra-thau-dau-vao-2021122509041913.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét