Trần Hữu Hiệp
SGGP06/03/2024 07:06
Phát triển các mô
hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển trong vùng
là cách làm hay: nâng cao thu nhập của người dân, bảo vệ diện tích rừng, kết
hợp du lịch sinh thái và phát triển bền vững.
Thực tiễn đã chứng
minh các mô hình “Con tôm ôm dòng điện sạch” (nuôi tôm kết hợp sử dụng diện
tích mặt nước phát điện mặt trời), “Con tôm ôm cây lúa”, hay “Con tôm ôm cây
đước” đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi tôm
trong rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” vừa được triển khai tại
Cà Mau không chỉ tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình hay, mà còn là cách
tiếp cận phù hợp tư duy “thích ứng thuận thiên” theo Nghị quyết 120/NQ-CP của
Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Những năm qua, Cà
Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre là 5 tỉnh đứng đầu cả nước về
diện tích và sản lượng tôm nuôi, cung cấp khoảng 70% sản lượng và giá trị xuất
khẩu. Con tôm không chỉ là sản phẩm chủ lực của các tỉnh này mà còn là mặt hàng
xuất khẩu chủ lực của quốc gia, đưa nước ta lên tốp 3 quốc gia xuất khẩu tôm
hàng đầu thế giới, chiếm 15% thị phần xuất khẩu các sản phẩm tôm trên thế giới.
Riêng phân khúc tôm chế biến, Việt Nam đứng đầu, chiếm 28% tổng giá trị xuất
khẩu tôm trên thế giới. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh,
biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng vẫn đang là thách thức
lớn. Để tránh bị động, đứt gãy các chuỗi cung ứng tôm, thiếu kết nối cung cầu,
cần đẩy mạnh đầu tư cho vùng nuôi tôm sinh thái bền vững, đầu tư công nghệ,
phát triển các phân khúc chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng cao.
Các lĩnh vực công
nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin và tự động hóa cần được
đẩy mạnh đầu tư, không chỉ trong sản xuất mà còn cần cho sự vận hành của chuỗi
cung ứng ngành tôm. Cần tận dụng nhanh cơ hội từ thương mại điện tử, quan tâm
đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái cho nền kinh tế số, kinh
tế chia sẻ. Tận dụng các hiệp định mới để tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu.
Không nên dừng lại ở các mô hình “Con tôm ôm cây lúa, cây đước”, mà ĐBSCL còn
cần nhiều hơn các phương thức nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch theo công nghệ
mới, siêu thâm canh mang lại hiệu quả cao. ĐBSCL phải thật sự trở thành một
“Trung tâm sinh thái nuôi tôm” gắn với nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh
học... để con tôm Việt thật sự “lột xác”.
Khoa học - công
nghệ là phương tiện, nhưng rất cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp hành động
liên ngành và một quyết tâm mạnh mẽ. Phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và
luật hóa “sân chơi” nội địa và quốc tế để các doanh nghiệp ngành tôm ứng xử
đúng, liên kết lại “làm sạch con tôm” và đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Phát
triển các mô hình nuôi tôm sinh thái là cần thiết, nhưng đích đến như kỳ vọng,
còn phải phấn đấu hơn nhiều...
https://www.sggp.org.vn/con-tom-om-rung-ngap-man-post729432.html
Nhận xét
Đăng nhận xét