Trần Hữu Hiệp
Báo Kiên Giang - 29/02/2024 06:58
(KGO) - Đảo ngọc Phú Quốc - thành phố đảo đầu tiên và duy nhất hiện nay của cả nước tiếp tục được xác định là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách; trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; có không gian sống chất lượng.
Thị trấn Hoàng Hôn. Ảnh: TRUNG HIẾU
Năm
2024 đánh dấu 20 năm triển khai thực hiện đề án phát triển đảo ngọc. Quyết định
178/2004/QĐ-TTg ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát
triển tổng thể đảo Phú Quốc và hàng loạt văn bản tiếp sau xác định tầm nhìn,
định hướng, các cơ chế chính sách đặc thù phát triển đảo.
Quyết
định 150/QĐ-TTg ngày 6-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch
chung TP. Phú Quốc đến năm 2040 tiếp tục khẳng định xây dựng thành phố đảo này
trở thành đô thị biển đảo; là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng
cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách. Theo đó, Phú Quốc trở thành
đô thị loại I, phát triển theo mô hình đa trung tâm, hình thành chuỗi đô thị
tập trung với 13 khu vực phát triển, mở ra giai đoạn mới, tầm nhìn và kỳ vọng
mới cho đảo ngọc.
DẤU ẤN 20 NĂM
Phú
Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á,
có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với
các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhất là chuỗi các điểm du lịch nổi
tiếng như Singapo, Phuket, Bali, Hongkong, Nhật Bản, JeJu... tạo ra hấp lực đối
với các tập đoàn đầu tư xuyên quốc gia. Đảo ngọc là một mắt xích quan trọng để
kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, giải trí tầm cỡ quốc tế.
TP.
Phú Quốc chỉ cách Hà Tiên khoảng 45km, cách TP. Rạch Giá khoảng 120km, có tổng
diện tích tự nhiên gần 60.000 ha, tương đương đảo quốc Singapore, với 27 hòn
đảo lớn, nhỏ. Phú Quốc hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội
để phát triển nền kinh tế mở cửa, hướng ngoại và trở thành điểm nhấn về kinh tế
- xã hội, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu
Long và cả nước phát triển.
Thời
gian qua, việc đầu tư phần cứng trên đảo như "mở cổng trời" - sân bay
quốc tế Phú Quốc; "mở cửa bể" - cảng biển quốc tế tổng hợp An Thới,
Bãi Thơm được hoàn thành và Dương Đông đang xây dựng; các đường trục Bắc - Nam,
vòng quanh đảo và tuyến xương cá đang hoàn thiện.
Theo
chân đường cáp ngầm xuyên biển đầu tiên ở nước ta, dài nhất Đông Nam Á, đưa
điện quốc gia vượt biển ra đảo ngọc, thì đường cáp quang viễn thông cũng đã đưa
thế giới xa ra đảo ngọc. Kéo theo nhiều công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều
dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là các dự án du lịch lớn, xác lập
nhiều kỷ lục mới, đang tạo ra sức hút mới.
Phú
Quốc hiện đang nắm giữ nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế. Là hòn đảo lớn nhất
nước, có sân bay quốc tế xây dựng mới đầu tiên kể từ sau năm 1975; đường điện
ngầm xuyên biển đầu tiên ra đảo dài nhất Đông Nam Á. Cáp treo vượt biển từ đảo
ra Hòn Thơm dài nhất thế giới. Vườn thú thiên nhiên bán hoang dã Safari Phú
Quốc là khu Safari đầu tiên, lớn nhất của cả nước.
Novotel
Phú Quốc Resort thuộc dự án Tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort là dự án
resort đầu tiên trên thế giới của chuỗi thương hiệu khách sạn Novotel toàn cầu
được đầu tư theo phong cách resort.
Phú
Quốc có tốc độ thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP, tăng trưởng ngành du lịch hàng
đầu các huyện đảo cả nước, được xếp vào nhóm thị trường du lịch sôi động bậc
nhất Việt Nam thời gian qua.
THÁCH THỨC VÀ KỲ VỌNG MỚI
Phú
Quốc khoác lên mình chiếc áo đô thị đặc thù – thành phố đảo đầu tiên của cả
nước với nhiều kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái mới, những đột phá và giá trị
mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế biển, du lịch biển đảo chất lượng cao.
TP.
Phú Quốc tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn 20 năm trước phù hợp với bối cảnh và
yêu cầu mới để thật sự trở thành một điểm sáng trong chuỗi các đảo du lịch nổi
tiếng trong khu vực và trên thế giới, nhưng cũng chính là sự khởi đầu cho một
giai đoạn mới đòi hỏi nhiều sáng tạo hơn.
Song,
thách thức cho thành phố đảo không ít. Pháp luật hiện hành chỉ xác định mô hình
chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà không có chính quyền “thành phố
đảo”.
Căn
cứ vào thực tiễn và định hướng phát triển, cần vận dụng sáng tạo trong thực
thi, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công lẫn khu vực tư
nhân. Trong khi năng lực quản lý đất đai, đô thị, trật tự; đảm bảo môi trường
sống, môi trường văn hóa an toàn, văn minh chưa đáp ứng kỳ vọng người dân.
Thách
thức về nguồn nhân lực, năng lực sáng tạo, định hình cơ chế, chính sách vượt
trội để thu hút đầu tư, tạo ra nguồn lực phát triển đảo vẫn đang là thức thức
lớn mà thành phố đảo phải vượt qua trong thời gian tới.
Định
hướng, tầm nhìn phát triển đảo và thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao
năng lực cạnh tranh, tạo ra hệ sinh thái kiến tạo, sáng tạo là việc phải làm
bằng chiến lược, tầm nhìn, bước đi, giải pháp, nguồn lực và cách thức huy động,
sử dụng nguồn lực.
Chiếc
áo pháp lý “thành phố đảo” cho Phú Quốc là cần với kỳ vọng tạo ra cơ chế phát
triển vượt trội so với lối mòn của huyện đảo, nhưng điều quan trọng là những
giá trị thực sự mà nó mang lại.
“Chiếc
áo pháp lý mới” từ Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 6-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt đồ án Quy hoạch chung TP. Phú Quốc đến năm 2040 được mặc vào cho đảo
ngọc phải tạo được sự chuyển biến mang tính đột phá hướng đến tương lai bền
vững vẫn đang là mối quan tâm của nhiều người.
Phú
Quốc trong tương lai cần được định hình dài hạn, cần một không gian xanh, sạch,
đẹp, kiểu mẫu gắn với cảnh quan biển, với chức năng đô thị được xây dựng trong
mối quan hệ với đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và trong mối quan hệ gắn bó
với các đô thị lớn của các nước ASEAN và trên thế giới.
Tương
lai của Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm
của con người đối với nó trong hiện tại!
https://www.baokiengiang.vn/thoi-su/phu-quoc-20-nam-phat-trien-tam-nhin-va-ky-vong-moi-19244.html
Nhận xét
Đăng nhận xét