Báo Công an nhân dân - Chủ Nhật, 24/05/2020, 08:57
Bảo tàng nông nghiệp dự kiến xây dựng tại huyện Vũng Liêm, với tổng diện tích đất hơn 11 hécta, có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Bảo tàng được chia làm 4 khu chính, gồm khu phục vụ cho trưng bày và hành chính; khu tái hiện làng quê Nam bộ xưa; khu tổ chức sự kiện và khu các công trình phụ trợ. Bảo tàng có tổ chức bộ máy dự kiến khoảng 30 người và có thể tăng theo sự phát triển của bảo tàng.
Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là một đề án có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn vững chắc, được sự đồng thuận cao của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, di nguyện của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Năm 2007, tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng gắn với dự án khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa nhằm thực hiện di nguyện của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Năm 2016, đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2017, tỉnh Vĩnh Long đưa vào khai thác Nhà trưng bày nông, ngư cụ Vũng Liêm. Ảnh: Báo Vĩnh Long. |
Trong đó, Bảo tàng nông nghiệp thuộc danh mục dự án Trung ương ưu tiên đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn hướng dẫn tỉnh Vĩnh Long triển khai xây dựng đề án.
Theo ông Lữ Quang Ngời, UBND tỉnh đã tiến hành xây dựng đề án với sự tư vấn của Trường Đại học Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện, tỉnh nhiều lần tổ chức hội thảo, hội nghị và có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Đề án Bảo tàng nông nghiệp nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong khu vực về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và địa điểm xây dựng Bảo tàng nông nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Long thống nhất, phối hợp trong công tác sưu tầm, cung cấp tư liệu, hình ảnh, hiện vật giữa Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL và Bảo tàng các tỉnh trong khu vực. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nông ngư cụ ở tỉnh Vĩnh Long trong thế kỷ XX (1919 - 2000)” do Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ thực hiện, nghiệm thu năm 2011.
Tỉnh Vĩnh Long cũng đã bước đầu sưu tầm trên 1.000 hiện vật và tài liệu về nông cụ và phương tiện sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã tặng cho tỉnh Vĩnh Long một số hiện vật. Các hiện vật này đang được lưu giữ tạm tại Bảo tàng Vĩnh Long và nhà trưng bày huyện Vũng Liêm, chuẩn bị cho việc trưng bày tại Bảo tàng Nông nghiệp trong thời gian tới.
Ngư cụ được trưng bày tại Vĩnh Long. Ảnh: Báo Vĩnh Long |
Theo ông Lữ Quang Ngời, đại diện các tỉnh trong khu vực cũng đã thống nhất cùng tham gia đóng góp sưu tầm và trưng bày tư liệu, hiện vật thể hiện đặc trưng của địa phương tại Bảo tàng Nông nghiệp; từ đó phối hợp kết nối phát huy giá trị di sản văn hóa nông nghiệp và liên kết phát triển du lịch trong vùng.
Ngoài ra, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thành lập Viện nghiên cứu Hệ thống canh tác của ĐBSCL. Những quy trình và kỹ thuật canh tác, cũng như những nông cụ cổ truyền tham gia trong quá trình sản xuất cũng đã được nghiên cứu và thu thập hiện vật một phần. Số lượng mẫu vật mà Trường Đại học Cần Thơ có thể cung cấp cho Bảo tàng nông nghiệp là hơn 4.000 giống lúa màu, 800 giống cây ăn trái, 1.500 loại động vật, 1.000 loại thực vật.
Ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh bảo tàng được xây dựng với mục đích lưu giữ di sản văn hoá nông nghiệp, tôn vinh vai trò của người nông dân Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Bảo tàng nông nghiệp với phương thức tổ chức động và mở, chú trọng yếu tố trình diễn, trải nghiệm nên sẽ là nơi giáo dục sinh động để tìm hiểu, nghiên cứu và tăng cường liên kết phát triển du lịch tạo sinh kế cho người dân và những giá trị cho nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội.
Đồng tình nhưng cách làm thế nào?
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, dự kiến đầu tư 400 tỷ đồng chỉ là số khái toán ban đầu trên cơ sở dự kiến các phân khu chức năng và dự kiến tổ chức bộ máy để đề án được xem xét đưa vào quy hoạch, chưa phải là con số cụ thể, chính xác, đã qua thẩm định. Kinh phí 400 tỷ đồng này cũng không hoàn toàn chi từ ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn mà được huy động từ nhiều nguồn, chủ yếu là xã hội hóa và phân chia thành nhiều giai đoạn thực hiện, cho nhiều dự án thành phần cụ thể, thực hiện trong thời gian dài.
Về phương án xây dựng, khai thác và phát huy giá trị của bảo tàng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết việc tổ chức khai thác để phát huy giá trị của bảo tàng là một công việc hết sức quan trọng. Tỉnh Vĩnh Long có dự án cụ thể chi tiết, trong đó tập trung đến việc quảng bá giới thiệu về bảo tàng, tổ chức phong phú các sự kiện, các hoạt động tham quan, trải nghiệm kết hợp giáo dục, nghiên cứu khoa học và tổ chức các tuyến du lịch kết nối trong vùng ĐBSCL.
Sau khi có thông tin tỉnh Vĩnh Long phê duyệt đề án xây dựng bảo tàng 400 tỷ đồng, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra đề án xây dựng bảo tàng giữa lúc người dân đang phải ứng phó với thiên tai, dịch bệnh gay gắt là lãng phí. Ngoài ra. Bảo tàng nông nghiệp có thể đi theo lối mòn của nhiều bảo tàng hiện nay là không thể thu hút được du khách.
Chợ nổi Cái Răng, nét đẹp văn hóa ở vùng sông nước. |
Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng ĐBSCL “dư chất liệu” để có thể dựng nên một bảo tàng nông nghiệp đúng nghĩa, có sức hấp dẫn. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra rất phức tạp, không biết ĐBSCL trong 5-10 năm, hay 20 năm tới sẽ như thế nào. PGS.TS Nguyễn Văn Huy ủng hộ kế hoạch xây một bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý vấn đề không nằm ở việc 400 tỷ mà nằm ở việc làm như thế nào cho đúng. Nếu không cẩn thận, lại gây bức xúc cho xã hội. Điều đó đi ngược lại ý hướng ban đầu của đề án thành lập.
Còn theo TS.Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp ĐBSCL, việc xây dựng bảo tàng để vinh danh nền nông nghiệp ĐBSCL là cần thiết. Quan trọng là không đi theo “lối mòn”, xây dựng những khối “công trình chết”; mà đó phải thực sự là “bảo tàng sống”.
TS Trần Hữu Hiệp lý giải bảo tàng đó không chỉ có “sức sống tại chỗ” mà còn phải lan tỏa, kết nối ra bên ngoài thông qua việc gắn với phát triển du lịch, kết nối các tour, tuyến… Có như vậy, sẽ vừa gìn giữ, phát huy văn hóa lịch sử, vừa quảng bá tôn vinh, lại vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh việc sưu tầm nông ngư cụ, cần phải làm sao để tái hiện lạo nền văn hóa nông nghiệp. Ví dụ, chúng ta chỉ cần phục dựng hình ảnh đi khẩn hoang vùng đất Nam Bộ đã đầy tính nhân văn và sức hấp dẫn.
Cùng với đó là hình ảnh sinh hoạt Nam Bộ xưa với chiếc áo bà ba, khăn rằn; hình ảnh nông dân chèo xuồng đi chở lúa, mua bán giao thương trên sông nước… Trên thế giới, có những bảo tàng đầy sức sống, qua cách làm hình ảnh 3D, dựng cả sân khấu kịch để tái hiện lịch sử…
Theo TS Trần Hữu Hiệp, chất liệu để trưng bày, sắp xếp thì đa dạng, phong phú. ĐBSCL “dư thừa” chất liệu để dựng bảo tàng nông nghiệp. Bài học và kinh nghiệm mà mô hình bảo tàng nông nghiệp trên thế giới thì nhiều. Vấn đề là chúng ta vận dụng vào trường hợp Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL ra sao. Nói cho cùng, vẫn là cách làm của những người đề xuất, thực hiện, thi công công trình đặc biệt này.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Góc nhìn bè bạn- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét