Bài trên Báo Doanh nhân Sài Gòn ngày 09-02-2012 (Click vào)
Khi tốc độ tăng trưởng GDP còn được dùng làm thước đo chủ yếu thành tích phát triển kinh tế, thì đương nhiên lãnh đạo địa phương sẽ tìm mọi cách để có tốc độ tăng GDP cao hơn, và cách đơn giản nhất là “xin” vốn đầu tư nhiều hơn để... lấy thành tích trong nhiệm kỳ của mình.
Khi tốc độ tăng trưởng GDP còn được dùng làm thước đo chủ yếu thành tích phát triển kinh tế, thì đương nhiên lãnh đạo địa phương sẽ tìm mọi cách để có tốc độ tăng GDP cao hơn, và cách đơn giản nhất là “xin” vốn đầu tư nhiều hơn để... lấy thành tích trong nhiệm kỳ của mình.
Liên kết nội vùng - mệnh lệnh của phát triển
Thời gian qua, kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn bị chia cắt bởi ranh giới hành chính mà tình trạng phổ biến là cấp tỉnh đang thực sự chi phối và quyết định sự phát triển kinh tế vùng.
Bàn chuyện liên kết vùng |
Kết quả là “mạnh ai nấy làm”, tỉnh nào cũng có khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối, nhà máy đường, trung tâm giống, trường đại học (ĐH) hoặc triển khai nghiên cứu nhiều công trình khoa học rập khuôn do vốn được phân bổ và quyết định theo đơn vị hành chính.
Kết quả là đầu tư trùng lắp, dàn trải, nhỏ lẻ, chậm phát huy hiệu quả, không có nhiều công trình tầm cỡ với “lợi thế dùng chung” cho cả vùng; thế mạnh là các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản của đồng bằng chưa được phát huy đúng mức để gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa.
Sự phân mảnh về thể chế không chỉ nằm ở phạm vi các tỉnh, giữa chính quyền trung ương và địa phương, mà còn giữa những bộ, ngành với nhau; thậm chí xung đột lợi ích trong phát triển đang là vấn đề nổi lên gần đây. Thời gian qua, hằng năm vùng ĐBSCL cho ra đời một trường ĐH mới.
Vào năm 2000, toàn vùng chỉ có ĐH Cần Thơ, nay đã tăng lên 12 trường, 2 phân hiệu (của ĐH Kiến trúc TP.HCM tại TP. Cần Thơ và ĐH Thủy sản Nha Trang tại tỉnh Kiên Giang) và còn nhiều trường đã có chủ trương thành lập. Theo quy hoạch, đến năm 2020, vùng này sẽ có khoảng 70 trường ĐH và cao đẳng.
Một vị lãnh đạo trong UBND của một tỉnh hiếm hoi ở vùng ĐBSCL chưa có trường ĐH than thở:
“Biết việc xin thành lập trường ĐH trong điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thiếu thốn chưa hẳn hay bằng cho con em mình học trường chất lượng của tỉnh bạn, nhưng liệu trong Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, rồi dư luận dân chúng địa phương có “chịu yên” khi xung quanh tỉnh nào cũng có trường ĐH?”.
Vấn đề là làm sao để các trường ĐH và các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khác trở thành “tài sản dùng chung” của cả vùng, không bị chia cắt bởi ranh giới hành chính.
Trong bối cảnh đó, xu hướng liên kết - hợp tác vùng, liên vùng được đặt ra như một mệnh lệnh của phát triển và thực tế nó đã mang lại những kết quả nhất định từ các chương trình liên kết vùng và hợp tác giữa ĐBSCL - TP.HCM thời gian qua.
Song, trước yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế đất nước và kinh tế vùng cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và thực hành thí điểm. Chọn mô hình liên kết nào? Ai là “nhạc trưởng” vùng?
Cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư chủ yếu nào? Có cần thiết lập một thể chế “quản trị vùng” để đủ sức đảm đương nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng hay không? đang là những câu hỏi lớn.
Các hình thức ký kết, thực hiện chương trình hợp tác giữa TP.HCM và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, TP.HCM với 13 tỉnh, thành trong vùng thời gian qua đã có những tác động tích cực, nhưng dường như cũng đang bộc lộ những khiếm khuyết.
May đo “chiếc áo pháp lý” nào?
Xu thế liên kết, hợp tác nổi lên vừa qua là “liên kết nhà nước” thông qua việc ký kết các chương trình hợp tác toàn diện với nhau, tác động bằng cơ chế chinh sách cấp địa phương để thúc đẩy liên kết doanh nghiệp.
Trong khi “liên kết thị trường” (giữa doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học - ngân hàng) mới là nội dung quan trọng hơn là sự ký kết hợp tác chung chung, thiếu cụ thể giữa các chính quyền với nhau.
Chính vì vậy mà những đề xuất về việc thành lập một Ủy ban Liên kết vùng do một Phó thủ tướng chính phủ làm chủ tịch, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND TP.HCM và 13 tỉnh, thành trong vùng; hoặc hoàn thiện mô hình Ban Chỉ đạo điều phối các vùng kinh tế trọng điểm tại hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế liên kết vùng” được tổ chức tại Cà Mau vừa qua xem ra không khả thi.
Những mô hình đó chỉ mới nhìn theo góc độ “liên kết nhà nước” - cần nhưng chưa đủ. Có ý kiến cho rằng, cần tiếp cận theo góc độ lợi ích kinh tế - động lực của liên kết. Thực tế sôi động của nền kinh tế TP.HCM và vùng ĐBSCL đã làm xuất hiện xu hướng hình thành các “cụm” lúa gạo, trái cây, thủy sản.
Các cụm ngành kinh tế này chính là mô thức “liên kết thị trường” chặt chẽ của các nền kinh tế phát triển trên thế giới, nó gắn kết liên hoàn các chuỗi giá trị trong sản xuất - nghiên cứu khoa học - đào tạo - công nghiệp - dịch vụ và tiêu thụ.
Thực tiễn đang cần một cơ chế pháp lý rõ ràng trong liên kết, chỉ huy và phối hợp các nguồn lực phát triển để phá vỡ thế lẩn quẩn hiện nay. Cơ chế liên kết vùng phải được “may đo” từ tư duy về quy hoạch phát triển.
Quy hoạch phải theo sản phẩm thế mạnh của vùng, của từng tỉnh với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ ngành hàng. Những điều này đòi hỏi cần tổ chức lại quy trình sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng theo chuỗi giá trị từ quy trình sản xuất giống chất lượng cao, khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực này của vùng.
Các “cụm” lúa gạo, thủy sản, trái cây vùng ĐBSCL đang được hình thành bước đầu, phải chăng đó cũng chính là tiêu điểm chính của lien kết vùng, hợp tác ĐBSCL - TP.HCM trong tương lai? Vấn đề còn lại là việc may đo một “chiếc áo pháp lý” cho vừa.
TRẦN HỮU HIỆP
Nhận xét
Đăng nhận xét