Chuyển đến nội dung chính

TUYÊN BỐ CHUNG DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ ĐBSCL CÀ MAU 2011

Hội nghị Hợp tác kinh tế quốc tế vùng ĐBSCL năm 2011 
Căn cứ quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long hàng năm.
Căn cứ vào kế hoạch Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Cà Mau 2011 (MDEC Cà Mau 2011) với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long – Liên kết phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất tại công văn số: 2531/VPCP – ĐP ngày 25 tháng 4 năm 2011.
Ngày 21 tháng 10 năm 2011, tại thành phố Cà Mau - tỉnh Cà Mau, sau khi nghe báo cáo kết quả các hoạt động đã diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC- Cà Mau 2011 và kế hoạch triển khai hoạt động năm 2012; Hội nghị Ban chỉ đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Cà Mau 2011 đã thảo luận và thống nhất ra Tuyên bố chung như sau:

I/- Đánh giá chung về kết quả và thực trạng liên kết tại vùng ĐBSCL:Trong những năm qua, thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL và giữa vùng với các đối tác bên ngoài như TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các sở ngành, các doanh nghiệp trong vùng và TP Hồ Chí Minh phát triển quan hệ hợp tác, liên kết, liên doanh, phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý nhà nước, xóa đói giảm nghèo… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đồng hành cùng cả nước, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Đến nay, đã có gần 44.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 356.000 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô, cơ cấu của doanh nghiệp cũng phát triển tương ứng, nhiều doanh nghiệp nay đã trở thành những tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp đang ngày càng chứng tỏ vai trò nòng cốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành trong nội bộ vùng và vùng với bên ngoài vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa phát huy tương xứng với nhu cầu và tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, từng tiểu vùng và cả vùng. Sự phát triển của vùng ĐBSCL còn thiếu tính bền vững. Sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu tăng nhanh nhưng thu nhập của phần lớn bộ phận hộ nông dân chưa tăng tương ứng; một bộ phận người dân chưa nhận thức và tham gia vào sự phát triển chung của vùng, tạo nên những tiềm ẩn về bất ổn xã hội. Sự phát triển quá nhanh và thiếu bền vững trong nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, cùng với tốc độ tăng trưởng vượt trội trong công nghiệp với hơn 31 khu công nghiệp và hơn 200 khu liên hợp công nghiệp đã tác động đến môi trường của toàn vùng. Lực lượng doanh nghiệp ở ĐBSCL đa số vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng một trong những nguyên nhân được Diễn đàn thống nhất đánh giá là quan trọng nhất, đó là: ĐBSCL chưa thật sự có được mối hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong toàn vùng; Hoạt động liên kết giữa Vùng với các bộ ngành Trung ương và các đối tác bên ngoài để tạo ra một động lực mạnh mẽ, đồng bộ cho sự phát triển bền vững. Thời gian qua, mặc dù đã xuất hiện nhận thức hợp tác và liên kết vùng là một yêu cầu cấp thiết để phát triển vùng ĐBSCL, song kết quả cho thấy tình hình hợp tác và liên kết ở vùng ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của các địa phương trong vùng.
II/- Nguyên nhân của những hạn chế và tồn tại việc hợp tác, liên kết:
1. Đối với hợp tác, liên kết giữa chính quyền các tỉnh thành trong nội vùng ĐBSCL:
Một là: Do thiếu “nhạc trưởng” trong hoạt động điều phối liên kết Vùng là hạn chế lớn nhất hiện nay. Các nội dung liên kết là do tự thỏa thuận, chưa có sự chỉ đạo của Chính phủ, không được điều phối và triển khai như mong muốn; mặt khác không tạo ra được cơ chế để giải quyết mâu thuẫn về lợi ích giữa các địa phương tham gia liên kết. Việc thiếu một cơ quan đầu mối và một cơ chế điều phối có hiệu quả, hiệu lực để phối hợp hành động, điều hòa lợi ích, giải quyết bất cập và làm cầu nối với Chính phủ khiến cho liên kết vùng ĐBSCL khó ràng buộc, ít cơ hội thành công.

Hai là: Thiếu cơ chế tài chính cho hoạt động liên kết vùng: Hoạt động liên kết vùng về bản chất vượt quá khuôn khổ riêng của từng địa phương. Trong bối cảnh 12 tỉnh ĐBSCL phải nhận trợ cấp từ Trung ương (một số tỉnh thậm chí còn chưa tự chủ được đến cả chi thường xuyên) thì trong khi nguồn lực cho phát triển địa phương còn chưa lo xong thì rất khó nói đến việc cùng nhau đóng góp tài chính để lo cho sự nghiệp phát triển của toàn Vùng. Vì vậy, các cam kết hợp tác và liên kết hiện nay chủ yếu xuất phát từ ý chí chính trị chứ chưa có các biện pháp cụ thể và bằng những lực lượng vật chất cụ thể.

Ba là: Theo Luật Ngân sách hiện nay thì có bốn cấp ngân sách là ngân sách Trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã. Vì vậy, nguồn tài chính hiện nay dành cho hoạt động liên kết vùng chủ yếu đến từ các chương trình đầu tư phát triển của Trung ương.

Bốn là: Thiếu một cơ chế chia sẻ thông tin giữa chính quyền các địa phương trong Vùng. Mặc dù mỗi tỉnh, thành trong Vùng đều xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đều có các chương trình đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch v.v. Song, vì nhiều lý do khác nhau, những thông tin chính sách quan trọng này lại chưa được chia sẻ giữa các địa phương một cách hiệu quả. Khi không có thông tin về chính sách của các tỉnh bạn thì rất khó để các tỉnh có thể cùng nhau thảo luận các chương trình hợp tác và liên kết.

Năm là: Chưa định hình một cách có hệ thống, có ưu tiên, và có cơ sở khoa học cho các nội dung liên kết vùng. Hiện nay, các nội dung liên kết thường mang tính chung chung, và trong một số trường hợp có tính duy ý chí chứ ít dựa trên những luận chứng khoa học và thực tiễn thuyết phục. Bên cạnh đó, trong khi nguồn lực thì hữu hạn mà nội dung liên kết lại khá ôm đồm (với khẩu hiệu “Liên kết toàn diện”), nhưng không có ưu tiên cụ thể trong từng giai đoạn cho từng mối quan hệ (vùng, tiểu vùng, song phương) nên tính khả thi của các hoạt động liên kết rất thấp. Bên cạnh đó, nội dung và phương thức liên kết chủ yếu xuất phát từ ý chí của chính quyền các địa phương mà ít tham khảo ý kiến của các đối tượng có liên quan. Trong đó, đặc biệt quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp – vốn là “lực lượng vật chất” để thực hiện các nội dung liên kết được đề ra.

Sáu là: Tồn tại nhiều xung lực phá vỡ liên kết vùng:
- Lợi thế cạnh tranh của các tỉnh thành trong vùng tương tự nhau, do vậy dễ gây ra tình trạng cạnh tranh (như trong lĩnh vực du lịch và nuôi trồng thủy sản), thậm chí “cạnh tranh xuống đáy” mà ví dụ điển hình là phá rào trong ưu đãi đầu tư để cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
- Chính sách của các địa phương vẫn còn nặng tính phong trào chứ chưa thực sự hữu hiệu trong việc khai thác các thế mạnh đặc thù hay lợi thế cạnh tranh của địa phương mình. Trên thực tế, mỗi địa phương đều hiểu là để phát triển kinh tế nhanh và bền vững thì phải dựa vào lợi thế nổi trội của mình.
- Nhiều tỉnh vẫn muốn duy trì cơ cấu sản xuất toàn diện và khép kín và do vậy dồn nguồn lực cho lĩnh vực mình không có lợi thế cạnh tranh, đồng thời từ chối khai thác thế mạnh của các tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Công thức “lý tưởng” về cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp có thể thích hợp cho cả nước nhưng chưa chắc đã phù hợp cho vùng ĐBSCL với những thế mạnh sẵn có về nông nghiệp và thủy hải sản. Nhiều tỉnh muốn khép kín quy trình sản xuất, vì vậy mặc dù không có lợi thế về nuôi trồng con giống song khi thấy tỉnh bạn tự cân đối được con giống thì mình cũng muốn có.

Bảy là: Các hạn chế xuất phát từ Trung ương:
Ở cấp độ vùng và địa phương còn tồn tại phổ biến tình trạng chia cắt về không gian kinh tế. Khi tốc độ (chứ không phải chất lượng) tăng trưởng GDP được sử dụng làm thước đo gần như duy nhất cho thành tích phát triển kinh tế thì một cách tự nhiên, mỗi địa phương sẽ chạy theo các lợi ích cục bộ địa phương, tìm mọi cách để có tốc độ tăng GDP cao hơn, trong đó cách đơn giản nhất có lẽ là tăng đầu tư từ nguồn xin được của Trung ương. Hơn nữa, do không có cơ chế điều phối hữu hiệu giữa các địa phương trong cùng một vùng nên các các tỉnh đều mạnh ai nấy xin trung ương, mạnh ai nấy đầu tư, cho dù có thể biết rằng làm như vậy sẽ khiến hiệu quả đầu tư chung của cả vùng giảm sút. Kết quả là vô hình chung địa giới hành chính đã trở thành biên giới kinh tế giữa các địa phương. Bên cạnh đó, tư duy “nhiệm kỳ” khiến việc chạy đua GDP càng trở nên gấp gáp, và thường thì quyết định càng vội vã, xác xuất phạm sai lầm càng lớn, nhất là khi người ra quyết định nhiệm kỳ sau không còn ở đó để nhận lãnh trách nhiệm cho quyết định của mình. Như vậy, trong bối cảnh thể chế hiện nay, tầm nhìn của lãnh đạo địa phương bị giới hạn về cả không gian (địa giới hành chính) và thời gian (nhiệm kỳ 5 năm).

Sự phân mảnh về thể chế không chỉ nằm ở phạm vi của các tỉnh, thành giữa chính quyền trung ương và địa phương, mà còn giữa những bộ, ngành khác nhau của trung ương. Mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí xung đột giữa các chính sách và các quy định khác nhau, thiếu sự gắn kết giữa kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn; sự phối hợp liên ngành trong xây dựng nội dung cũng như thực hiện chính sách và thiếu cơ chế để buộc các bộ làm việc cùng nhau.

2. Đối với hợp tác, liên kết giữa chính quyền các tỉnh thành trong vùng với bên ngoài:Trong hoạt động hợp tác, liên kết này, quan trọng nhất là hình thức liên kết song phương giữa 13 tỉnh thành của vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và với một số địa phương thuộc các quốc gia lân cận, chủ yếu là Campuchia.
Cho đến thời điểm này, tất cả 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đều đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện phát triển kinh tế - xã hội với TP Hồ Chí Minh. Song hành với các thỏa thuận “song phương” này giữa hai chính quyền thì một số sở, ban, ngành, và doanh nghiệp nhà nước của hai địa phương cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực và thủy hải sản, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động như dệt may, bao bì, cao su, và xây dựng các khu du lịch, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xã hội…. các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL nhận thức việc liên kết với TP Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương hơn là liên kết với các tỉnh trong nội Vùng ĐBSCL. Vì cơ cấu kinh tế và lợi thế so sánh của TP Hồ Chí Minh rất khác với các tỉnh ĐBSCL nên việc hợp tác với TP Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện cho các địa phương cùng phát triển.

Mặc dù đã có rất nhiều thỏa thuận hợp tác song phương toàn diện giữa UBND, các sở ngành và DNNN của TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL, song cho đến thời điểm này, đánh giá chung của chính quyền cũng như doanh nghiệp ĐBSCL thì sự hợp tác này vẫn mang nặng tính chính trị hơn là kinh tế, chủ quan hơn là khách quan, và hình thức hơn là đi vào thực chất. Cụ thể hơn, nhiều ý kiến trong các cuộc làm việc của nhóm nghiên cứu với chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở ĐBSCL đã thẳng thắn cho rằng hiện nay việc liên kết với TP Hồ Chí Minh vẫn chủ yếu là sự hợp tác là giữa hai chính quyền, sự tham gia của doanh nghiệp cũng có nhưng còn rất ít. Trên thực tế, doanh nghiệp liên kết với nhau chủ yếu là thông qua các cơ hội kinh tế có tính thị trường, chứ không xuất phát từ quyết tâm hợp tác của hai chính quyền.

3. Đối với liên kết thị trường (liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) trong nội vùng ĐBSCL:
Đây là hình thức liên kết kinh tế quan trọng nhất, là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của các địa phương ĐBSCL. Mặc dù hình thức liên kết thị trường trong nội bộ vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng, song hình thức liên kết này vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng sẵn có của nó do vẫn bị cản trở bởi nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là đầu tư của Trung ương về cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL còn yếu và thiếu, không đồng bộ, thiếu kết nối không tương xứng với tiềm năng cũng như đóng góp kinh tế của ĐBSCL cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là giao thông vận tải. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, trong khi lao động có kỹ năng đạt trình độ thấp và không đáp ứng được tốt yêu cầu công việc. Ngoài ra, liên kết thị trường bên trong Vùng ĐBSCL còn bị hạn chế bởi các nguyên nhân sau:
- Đặc trưng của sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng nhất là tính bấp bênh do phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, và “được mùa, mất giá”, trong khi đó lại thiếu hệ thống dự trữ để hạn chế tình trạng chênh lệch cung – cầu quá mức.
- Liên kết bốn nhà chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thậm chí trong nhiều trường hợp bị phá vỡ, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân.
- Hiệp hội doanh nghiệp trong nhiều trường hợp chưa thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ và điều hòa quyền lợi cho các doanh nghiệp thành viên. Tồn tại tình trạng tranh mua đẩy giá nguyên liệu lên cao và tranh bán kéo giá xuất khẩu xuống thấp, do đó tự mình làm suy giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Một lần nữa, ở đây vài trò của hiệp hội rất mờ nhạt.
- Các cụm ngành (cluster) của ĐBSCL vẫn đang trong quá trình hình thành, thậm chí mới chỉ ở dạng sơ khai.

4. Đối với liên kết thị trường vùng ĐBSCL với bên ngoài:

Những vấn đề của loại hình liên kết này cũng tương tự như của loại hình liên kết thị trường trong nội bộ Vùng; ở đây Diễn đàn nhìn vào kết quả liên quan tới FDI và thương mại cửa khẩu.
• Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
- Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài quá ít, chưa đảm bảo yêu cầu.
- Quy mô trung bình của các dự án FDI rất nhỏ.
- Cơ cấu FDI không phù hợp với lợi thế so sánh của Vùng, do vậy không đóng góp đáng kể tới tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách bền vững.
• Các chương trình dự án từ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài:
- Qui mô dự án còn hạn chế.
- Tính bền vững của các dự án không cao.
• Thương mại biên giới:
- Phần lớn các tỉnh biên giới có một vài khu kinh tế cửa khẩu, song hiệu quả mang lại nhìn chung rất thấp. Nghi vấn thực sự hiện nay là các khu kinh tế cửa khẩu đang “nuôi” nền kinh tế của địa phương hay là ngược lại, nền kinh tế địa phương đang phải gánh sức nặng của các khu kinh tế cửa khẩu.
- Trong khi các khu kinh tế cửa khẩu chưa khẳng định được hiệu quả thì lại thường đi đôi với nhiều vấn đề kinh tế và xã hội tiêu cực khác.
- Xuất khẩu của ĐBSCL chủ yếu vẫn qua hệ thống cảng biển ở TP Hồ Chí Minh, và miền Đông Nam Bộ. Với chất lượng của cơ sở hạ tầng giao thông kém và chi phí vận tải cao như hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL đang chịu nhiều thiệt thòi to lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

III/- Các giải pháp phối hợp triển khai và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Trên cơ sở đánh giá chung kết quả, thực trạng và những nguyên nhân cản trở việc liên kết hợp tác giữa các tỉnh thành trong nội vùng ĐBSCL và liên kết hợp tác giữa vùng với các đối tác bên ngoài như TP Hồ Chí Minh; nhằm tăng cường hợp tác liên kết giữa các tỉnh thành trong nội vùng ĐBSCL và giữa vùng ĐBSCL với các đối tác, nâng cao khả năng cạnh tranh của vùng; Hội nghị Ban chỉ đạo Diễn đàn thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và hợp tác triển khai các giải pháp như sau:

1/- Kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ:

Một là: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế điều phối liên kết kinh tế vùng ĐBSCL để giải quyết những vấn đề chung và nâng khả năng cạnh tranh của vùng; nâng cao hiệu lực để phối hợp hành động, điều hòa lợi ích, giải quyết bất cập trong quá trình liên kết trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Hai là: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các Bộ ngành liên quan cùng các tỉnh thành vùng ĐBSCL nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình các Khu phức hợp hoặc cụm công nghiệp dịch vụ nông thủy sản vùng ĐBSCL nhằm tăng cường tính liên kết cụm tỉnh thành, liên kết 4 nhà và nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản phẩm nông, thủy sản của vùng, đảm bảo phát triển qui mô và bền vững, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

2/- Các giải pháp phối hợp triển khai:

Một là: Trên cơ sở cơ cấu tổ chức bộ máy của các địa phương; Kiến nghị các địa phương giao cho một chuyên viên chuyên trách thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để tập trung đầu mối, báo cáo, tham mưu, liên lạc theo dõi, đôn đốc thường xuyên, nhằm đẩy nhanh tiến độ các chương trình liên kết và hợp tác cùng phát triển. Theo dõi thực hiện các tuyên bố chung hàng năm của Diễn đàn MDEC.

Hai là: Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban chỉ đạo Diễn đàn MDEC cùng UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng ĐBSCL hợp tác xây dựng Quy chế phối hợp điều hành triển khai các chương trình dự án liên kết mục tiêu giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM nhằm phát huy hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL.

Ba là: Trên cơ sở quy hoạch, chiến lược phát triển của vùng với các tỉnh thành vùng ĐBSCL phối hợp với các bộ, ngành và TP.HCM rà soát lại tiềm năng và nhu cầu liên kết hợp tác đầu tư, hoàn thiện lại quy hoạch, xác định danh mục các chương trình, dự án cần ưu tiên đầu tư theo từng thời kỳ trên các lĩnh vực về: giáo dục đào tạo và dạy nghề, phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch vùng nguyên liệu, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, xúc tiến thương mại – du lịch và đầu tư, quan hệ đối ngoại …. Ưu tiên cho những chương trình, dự án mang tính động lực, tác động đến phát triển toàn vùng.

Bốn là: Định kỳ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh nhằm tăng cường giao lưu và đối thoại trực tiếp giữa các nhà đầu tư với chính quyền các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM. Chỉ đạo cho các cơ quan truyền thông của TP.HCM và vùng, bằng nhiều hình thức tăng cường thông tin tuyên truyền về những kết quả trong chương trình liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng và vùng với TP.HCM.

Năm là: Cần phải xác định rõ vai trò, vị trí của hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, trên cơ sở đó các tỉnh thành vùng ĐBSCL liên kết phối hợp các bộ, ngành xây dựng chiến lược; nghiêm túc tự đánh giá, rà soát các hoạt động theo quý, theo năm để kịp thời phát huy và khắc phục những mặt tốt và chưa tốt trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực quản lý của cán bộ và rà soát các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận các dự án đầu tư mới cũng như tiếp tục duy trì và tăng vốn đầu tư ở các dự án đã hoạt động.

Sáu là: Cập nhật và khai thác hiệu quả các đề án quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước, trong đó có nội dung nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phát triển hạ tầng và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm và thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nhà tài trợ cho vùng trong các lĩnh vực phát triển thủy lợi, giao thông, kết hợp phòng chống thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tăng cường khai thác và phát huy tốt mối quan hệ với các quốc gia có nhiều tiềm năng như: Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, lãnh thổ Đài Loan…các tổ chức tài chính lớn: WB, ADB, IMF, … và các tổ chức quốc tế. Định kỳ Ban chỉ đạo Diễn đàn phối hợp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ kết hợp xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư; gặp gỡ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài để tăng cường sự quan tâm, hiểu biết và vận động tài trợ.

Bảy là: Tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương của vùng ĐBSCL với các địa phương nước bạn nhằm kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, phát triển thị trường. Đối với các địa phương có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, cần tiếp tục phát huy các chương trình hợp tác để giữ vững mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, khai thác hiệu quả chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, hướng đến một cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Tám là: Các địa phương cần tiếp tục quán triệt một cách đầy đủ những nội dung và tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, Chỉ thị 19 của Thủ tướng và các văn bản pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy công tác vận động kiều bào, đặc biệt là trí thức và doanh nhân kiều bào trên tinh thần coi người Việt Nam ở nước ngoài là một “nguồn lực” đối với sự phát triển của địa phương. Liên kết nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách nhằm thu hút nhân tài và nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc và đầu tư tại ĐBSCL.

Chín là: Tiếp tục phát huy Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long vào mục đích điều hành hoạt động liên kết vùng.
Mười là: Thường trực Ban chỉ đạo Diễn đàn làm việc với Hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội lương thực, Hiệp hội rau quả tìm giải pháp để liên kết doanh nghiệp và nông dân.

IV/ Đối với công tác xúc tiến:
1/- Định hướng công tác xúc tiến chung từ 2012 - 2015:
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch trên cơ sở liên kết chặt chẽ mối quan hệ nội vùng; thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện với thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành khác trong và ngoài nước; tăng cường mạnh mẽ quan hệ kinh tế đối ngoại giữa vùng với các quốc gia thông qua các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; củng cố và trao đổi thông tin 2 chiều một cách kịp thời, thường xuyên và liên tục giữa vùng với các cơ quan ngoại giao, cơ quan xúc tiến Việt Nam tại các nước.
- Thực hiện các hoạt động xúc tiến trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của các địa phương, của cụm ngành hàng hoặc vị trí địa lý và của vùng, xác định ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội của vùng ĐBSCL.
- Củng cố thị trường truyền thống, tiếp cận và mở rộng các thị trường tiềm năng nhằm xuất khẩu các sản phẩm là thế mạnh của vùng ĐBSCL; khẳng định thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế; bám sát các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trong đó có nội dung liên quan đến ĐBSCL.
- Đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Liên kết tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo mở ra khả năng kết nối các sản phẩm du lịch liên vùng, liên quốc gia và quốc tế.
- Tổ chức các chương trình xúc tiến có trọng điểm, quy mô, đồng bộ và chuyên nghiệp; kết hợp hài hòa giữa xúc tiến thương mại với đầu tư và du lịch trong và ngoài nước.
- Tổ chức và nâng cao khả năng của hệ thống thông tin, dự báo và tuyên truyền quảng bá tiềm năng thế mạnh của vùng ĐBSCL.
- Nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác xúc tiến.

2/- Các chương trình hợp tác xúc tiến năm 2012:Chương trình 1: Tuần lễ đồng bằng sông Cửu Long tại TP.HCM lần 2 năm 2012.
Chủ trì: Ban chỉ đạo Diễn đàn.
Thực hiện: Ban thư ký diễn đàn.
Kinh phí: Diễn đàn 2012.

Chương trình 2: Tăng cường quan hệ đối ngoại với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài.
Chủ trì: Ban chỉ đạo Diễn đàn
Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao.
Thực hiện: Ban thư ký Diễn đàn.
Kinh phí: Diễn đàn năm 2012.

Chương trình 3: Tổ chức Hội chợ thương mại dịch vụ ĐBSCL và TP.HCM tại Campuchia.
Chủ trì: Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Thực hiện: Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư.
Kinh phí: Xúc tiến thương mại quốc gia.

Chương trình 4: Chương trình truyền thông quảng bá và cung cấp thông tin:
- Xây dựng chuyên mục “Tạp chí phát triển kinh tế ĐBSCL” định kỳ trên sóng truyền hình của Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ với sự cộng tác của Đài phát thanh truyền hình 13 tỉnh thành ĐBSCL và HTV nhằm quảng bá hình ảnh và tiềm năng hợp tác của vùng ĐBSCL, đặc biệt là tiềm năng hợp tác với TP.HCM.
- Phối hợp cung cấp thông tin trên website Diễn đàn:
www.mdec.vn
Chủ trì: Ban chỉ đạo Diễn đàn.
Thực hiện: Ban thư ký diễn đàn.
Kinh phí: Diễn đàn hàng năm.

3/- Nội dung hợp tác khác:- Giao cho Ban thư ký nghiên cứu đề án xây dựng biểu tượng nhãn hiệu hàng hóa chất lượng đối với sản phẩm cá tra, gạo, trái cây của vùng ĐBSCL để làm công tác quảng bá chung cho vùng; bao gồm: logo nhận diện, tiêu chí chất lượng để được gắn logo, phương thức quảng bá, trách nhiệm và điều kiện của doanh nghiệp … trình Thường trực Ban chỉ đạo Diễn đàn xem xét quyết định.

V/- Chủ đề và địa phương đăng cai tổ chức Diễn đàn năm 2012:- Hội nghị thống nhất giao cho tỉnh Tiền Giang là địa phương đăng cai tổ chức Diễn đàn năm 2012.
- Chủ đề: Hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững.
Giao cho UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ ngành liên quan xây dựng mục tiêu, kết quả cần đạt được và các hoạt động trong khuôn khổ của Diễn đàn MDEC Tiền Giang 2012. Ban thư ký Diễn đàn chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, tham mưu và báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo Diễn đàn thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ.

VI/- Cam kết hợp tác triển khai thực hiện của các bộ, ngành, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2012:
1/- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất:
- Hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL theo kiến nghị Diễn đàn MDEC Cần Thơ 2008 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại công văn số: 2408/VPCP-KTN ngày 15/4/2009 của Văn phòng Chính phủ.
- Chủ trì phối hợp các bộ, ngành và địa phương sớm hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.
- Trên cơ sở quy hoạch, chiến lược phát triển của vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành và các tỉnh thành vùng ĐBSCL rà soát lại tiềm năng và nhu cầu liên kết hợp tác đầu tư, hoàn thiện lại quy hoạch, xác định danh mục các chương trình, dự án cần ưu tiên đầu tư theo từng thời kỳ. Ưu tiên cho những chương trình, dự án mang tính động lực, tác động đến phát triển toàn vùng. Nghiên cứu đề xuất xây dựng các khu phức hợp hoặc Khu chế xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Xây dựng danh mục các dự án mang tính chất liên vùng để kêu gọi đầu tư, viện trợ từ các nguồn vốn trong và ngoài nước: ODA, FDI, NGO.. vào vùng ĐBSCL.

2/- Bộ Công Thương: - Hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Trung tâm thông tin ĐBSCL tại TP.Hồ Chí Minh theo kiến nghị Diễn đàn MDEC Cần Thơ 2008 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại công văn số: 2408/VPCP-KTN ngày 15/4/2009 của Văn phòng Chính phủ.
- Đàm phán với nước bạn Campuchia tham gia hợp tác quy hoạch, đầu tư các khu kinh tế cửa khẩu phù hợp và đồng bộ với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để phát huy hiệu quả.
- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.
- Chủ trì cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban chỉ đạo Diễn đàn nghiên cứu thảo luận với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thống nhất mô hình tổ chức Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL để tiện trong quan hệ công tác và triển khai các hoạt động hợp tác xúc tiến toàn vùng.

3/- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng các hoạt động Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 với chủ đề: “Hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”. Chủ động nghiên cứu, nhân rộng các mô hình liên kết như cánh đồng mẫu lớn giữa doanh nghiệp và nông dân cho lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thủy sản xuất khẩu.
- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.

4/- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch:- Đề nghị Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) xem xét tiếp tục bổ sung những địa phương thuộc vùng ĐBSCL tham gia vào các giai đoạn tiếp theo của dự án “Phát triển bền vững du lịch tiểu vùng sông Mê Kông”. Hợp tác nghiên cứu tổ chức một sự kiện văn hóa – du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tại vùng ĐBSCL vào năm 2013 nhân sơ kết 10 năm thực hiện dự án, nhằm khai thác thế mạnh của vùng sông nước ĐBSCL vì mục tiêu “Bốn quốc gia một điểm đến”.
- Phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hình thành các tour du lịch kết nối với TP.HCM và các nước trong khu vực.
- Chủ trì xây dựng đề án liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL dựa trên lợi thế sông và biển đảo theo Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Kiên Giang 2010 số 11-TB/BCĐTNB ngày 11 tháng 9 năm 2010 của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Góp phần phát triển du lịch dựa trên lợi thế biển đảo và sông giữa: Việt Nam - Thái lan – Campuchia và hành lang kinh tế phía Nam trong chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.

5/- Bộ Ngoại giao:- Hỗ trợ các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL thúc đẩy các quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ hỗ trợ về mặt tài chính, kinh nghiệm nông nghiệp, kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng cường quan hệ đối ngoại với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài.
- Chủ trì phối hợp với các tỉnh thành vùng ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù thu hút tầng lớp trí thức và doanh nhân kiều bào.
- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.

6/- Bộ Tài Nguyên và Môi trường:- Phối hợp các Bộ, ngành liên quan cùng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng chương trình hành động cộng đồng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhằm giảm tác động mạnh tới cộng đồng người nghèo, không đủ khả năng để vực lại những thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra. Xây dựng đề án nghiên cứu tổng thể những ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng ĐBSCL; những giải pháp thích nghi để làm cơ sở khoa học thông tin tránh ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư của vùng theo Tuyên bố chung Diễn đàn MDEC Kiên Giang 2010 (số: 11- TB/BCĐTNB ngày 11 tháng 9 năm 2010).
- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.

7/- Bộ Khoa học và Công nghệ:- Phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình KH&CN cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững Kinh tế-Xã hội vùng ĐBSCL.
- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.

8/- Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ:- Phối hợp các Bộ ngành kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư nhanh hơn các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho vùng ĐBSCL.
- Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan sớm hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.
- Phối hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các tỉnh thành vùng ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất cơ chế thu hút tầng lớp trí thức và doanh nhân kiều bào.
- Chủ trì phối hợp với các Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng cơ chế phối hợp xúc tiến chung vùng ĐBSCL.

9/- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam:- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.
- Phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang - Ban tổ chức Diễn đàn MDEC Tiền Giang 2012 và Ban thư ký Diễn đàn xây dựng các hoạt động của Diễn đàn 2012 với chủ đề : “Hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”.

10/- Các bộ, ban ngành thành viên Diễn đàn MDEC Cà Mau 2011:- Bằng chức năng nhiệm vụ của mình, các Bộ ban ngành nghiên cứu phối hợp đề xuất các chương trình liên kết vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
- Phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.
- Phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang - Ban tổ chức Diễn đàn MDEC Tiền Giang 2012 và Ban thư ký Diễn đàn xây dựng các hoạt động của Diễn đàn 2012 với chủ đề : “Hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”.

11/- Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh:- Phối hợp và hỗ trợ trong tổ chức Tuần lễ đồng bằng sông Cửu Long tại TP.HCM lần 2 năm 2012 theo tuyên bố chung Diễn đàn MDEC Kiên Giang 2010 (số 11-TB/BCĐTNB ngày 11 tháng 9 năm 2010); gắn với tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL và TP.HCM lần thứ nhất.
- Tư vấn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng theo không gian du lịch vùng ĐBSCL, hình thành các tour du lịch kết nối với TP.HCM và quốc tế.
- Phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các tỉnh thành vùng ĐBSCL nghiên cứu xây dựng đề án các sản phẩm du lịch, chương trình hợp tác phát triển du lịch dựa trên lợi thế biển đảo và sông giữa ĐBSCL và TP.HCM; Nghiên cứu chương trình phát triển du lịch giữa Việt Nam - Thái Lan - Campuchia, trong đó lấy ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh làm trọng tâm.
- Chủ trì tổ chức Hội chợ thương mại dịch vụ ĐBSCL và TP.HCM tại Campuchia.
- Hợp tác các tỉnh thành vùng ĐBSCL và Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Ngoại giao nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù thu hút kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài về làm việc và đầu tư tại Việt Nam.

12/- Các tỉnh thành vùng ĐBSCL:- Liên kết với các tỉnh thành ĐBSCL cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều hành liên kết vùng ĐBSCL.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao và TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất cơ chế thu hút tầng lớp trí thức và doanh nhân kiều bào.
- Tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình xúc tiến chung của Diễn đàn năm 2012.
- Trên cơ sở quy hoạch, chiến lược phát triển của vùng, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan rà soát lại tiềm năng và nhu cầu liên kết hợp tác đầu tư, hoàn thiện lại quy hoạch, xác định danh mục các chương trình, dự án cần ưu tiên đầu tư theo từng thời kỳ. Ưu tiên cho những chương trình, dự án mang tính động lực, tác động đến phát triển toàn vùng. Phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng các khu phức hợp hoặc Khu chế xuất hoặc Cụm công nghiệp và dịch vụ nông, thủy sản vùng ĐBSCL.
- Chỉ đạo rà soát lại các tiềm năng, thế mạnh và những hạn chế của mình trên các lĩnh vực về: Giáo dục đào tạo và dạy nghề, y tế, chuyển giao khoa học công nghệ, du lịch, giao thông, xúc tiến thương mại – du lịch và đầu tư, quan hệ đối ngoại … Trên cơ sở đó chủ động đưa ra một số nội dung cần liên kết hợp tác bằng những dự án, đề án cụ thể với các tỉnh thành bạn trong khu vực ĐBSCL và TP.HCM. Xây dựng danh mục các dự án mang tính chất liên vùng để kêu gọi đầu tư, viện trợ từ các nguồn vốn trong và ngoài nước: ODA, FDI, NGO.. vào vùng ĐBSCL.
- Phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu chương trình phát triển du lịch giữa Việt Nam - Thái Lan - Campuchia, trong đó lấy vùng ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh làm trọng tâm. Liên kết xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên tiềm năng, thế mạnh, kết nối các tour khách trong nước và quốc tế từ TP HCM./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Phải dẹp bỏ '"quy định riêng"

   TRẦN HỮU HIỆP Báo Tuổi Trẻ - 30/08/2021 11:25 GMT+7 TTO - Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế sáng 26-8 - Ảnh: CHÍ CÔNG Mấy ngày qua, đã xảy ra tình trạng xe chở hàng ùn ứ ở cửa ngõ Cần Thơ. Giao thông "luồng xanh" bị ách tắc tại đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. Các địa phương phàn nàn, nhiều doanh nghiệp kêu than, hiệp hội ngành hàng bức xúc kêu cứu, kiến nghị tháo gỡ... "Quy định riêng" của TP Cần Thơ đối với hàng "quá cảnh", dù đã đảm bảo các yêu cầu chung về phòng dịch và được "thông chốt" khi qua các địa phương khác, nhưng khi vào địa bàn thành phố vẫn phải thực hiện các thủ tục khai báo trước với các sở ngành và buộc phải tập kết hàn