Bài trên Báo HẬU GIANG ngày 18-01-2012 (Click vào để xem bản gốc)
Bài đạt giải Báo chí tỉnh Hậu Giang năm 2012 (Giải chuyên đề giao thông)
Bài đạt giải Báo chí tỉnh Hậu Giang năm 2012 (Giải chuyên đề giao thông)
TRẦN HỮU HIỆP
“Đường nối Vị Thanh - Cần Thơ được đầu tư xây dựng bằng tốc độ “chạy nước rút”. Do tỉnh triển khai rất nhanh nên Trung ương bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cả bằng cách “ứng trước vốn kế hoạch”. Chỉ tính rợ theo kiểu nông dân cũng cho ra “mức lãi 30%” nhờ tốc độ bồi hoàn, giải phóng mặt bằng đã dẫn tới vật tư xây dựng không bị đội giá. Việc còn lại chỉ là khai thác, sử dụng hiệu quả công trình này” - ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, người có 7 năm giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - nhận xét về việc mở “dòng Xà No trên cạn” như vậy.
* Dòng chảy lịch sử
Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang trao Giấy Chứng nhận đầu tư dự án Kho tồn trữ, xay xát lúa gạo 500.000 T/năm cho tập đoàn Phương Trang
Lịch sử hình thành và phát triển vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng của một số con kênh đào như kênh Vĩnh Tế, miệt Châu Đốc - Hà Tiên đi xuyên qua Tứ giác Long Xuyên, ghi dấu một thời khẩn hoang của triều đình Nguyễn. Hay kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) - trục giao thông thủy huyết mạch nối liền “lục tỉnh Nam kỳ” với các “chành” lúa gạo, trái cây, thủy sản cung cấp cho Sài Gòn - Chợ Lớn - TP.Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Nằm trong số đó, kênh xáng Xà No nổi lên với vai trò là một công trình thủy nông và thủy lộ chiến lược tác động đến sự phát triển của cả tiểu vùng Tây sông Hậu. Nhờ nó mà từ rất sớm, vùng này đã đóng góp tới 0,9 triệu trong tổng số 1,3 triệu tấn gạo xuất cảng năm 1908 của toàn Nam kỳ, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới thời bấy giờ.
Và câu chuyện trăm năm đó, lại tiếp tục ghi dấu son với con số kỷ lục của một cường quốc xuất khẩu hơn 7,2 triệu tấn gạo trong năm 2011. Theo ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Vinafood II, thì hiện nay ĐBSCL không còn đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước mà đã chiếm 100% trong năm 2011 và cũng chiếm hơn 20% sản lượng gạo thương mại của toàn thế giới.
Xưa, “con đường lúa gạo miền Hậu Giang - Xà No” là nơi khởi phát các giá trị mới của “văn minh kênh xáng”, tạo ra các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội sầm uất dọc theo huyết mạch giao thương, xuất khẩu gạo của tiểu vùng. Đầu năm 2012 này, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ sẽ được thông xe, đánh dấu sự ra đời “dòng Xà No trên cạn”, mở ra giai đoạn phát triển mới không chỉ của tiểu vùng Tây sông Hậu mà cả đất Chín Rồng.
* Đường đến tương lai
Đường nối Vị Thanh - Cần Thơ dài 47km đã kéo “thành phố thứ 13 của đồng bằng”, trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, xích lại gần hơn với “Tây Đô”, trung tâm của vùng ĐBSCL. Đây là công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị do tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ đầu tư với tổng kinh phí hơn 3.100 tỉ đồng, phân kỳ thành 2 giai đoạn đầu tư. “Dòng Xà No trên cạn” xuất phát từ nút giao cầu Cần Thơ thuộc địa phận phường Lê Bình, quận Cái Răng, mở tuyến mới về kênh xáng Xà No, qua rạch Ba Láng, rạch Sung, sau đó rẽ trái đi song song và chỉ cách kênh xáng Xà No từ 1,3-1,8km, điểm cuối giao với Quốc lộ 61 tại địa phận xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, nối với Quốc lộ 80 đi Kiên Giang.
Đường đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng với 4 làn xe và theo quy hoạch, sẽ trở thành Quốc lộ cao tốc 61B. Đây không chỉ là tuyến huyết mạch nối các Quốc lộ 1, 61, Quản lộ - Phụng Hiệp mà còn mở ra cơ hội phát triển mới không chỉ của Cần Thơ, Hậu Giang mà còn cho cả tiểu vùng Tây sông Hậu và ĐBSCL.
Dọc theo tuyến này, Cụm công nghiệp Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A mấy năm qua được tỉnh Hậu Giang quan tâm đầu tư “đón gió” đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, tận dụng lợi thế “tiền giang, hậu lộ”, nay đã trở thành lựa chọn lý tưởng của Tập đoàn Phương Trang để đầu tư gần 1.000 tỉ đồng xây dựng tổng kho lúa gạo rộng 100ha, có sức chứa từ 500.000 đến 1 triệu tấn/năm. Tổng kho không chỉ là điểm tồn trữ, xay xát lúa gạo mà còn là trung tâm cho các hoạt động giao thương gắn liền với “cánh đồng mẫu lớn” 1.000ha tại vùng này và tương lai sẽ hình thành nên sàn giao dịch lúa gạo. Dòng “Xà No trên cạn” còn là cầu nối trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu với Tứ giác Long Xuyên với những “cánh đồng mẫu lớn” bạt ngàn của An Giang, Cần Thơ.
Điểm nhấn thứ hai trên tuyến Vị Thanh - Cần Thơ là Khu đô thị đại học 320ha đã được quy hoạch và đang triển khai tại địa bàn quận Cái Răng, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, trong đó hơn 100ha được đầu tư xây dựng Trường Đại học Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô 15.000 sinh viên với nhiều chuyên ngành đào tạo, đang là niềm hy vọng mở ra chân trời mới cho con em vùng đất một thời “đạn chen đầu đạn, bom cài hố bom” này.
Dòng Xà No xưa là trục phát triển của chùm đô thị Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền, thị trấn Một Ngàn, thị trấn Bảy Ngàn… đang ngày càng sầm uất. “Dòng Xà No trên cạn” ngày nay cũng đang phác họa vóc dáng một chùm đô thị mới hiện đại, không chỉ gắn liền với văn minh sông nước, vùng lúa gạo, cây ăn trái, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mà còn là “hạt nhân đô thị” của nông thôn mới.
Tương lai đang mở ra từ một con đường...
Nhận xét
Đăng nhận xét