Trần Hữu Hiệp
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu mới đây, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa ĐBSCL (CLRRI) một lần nữa đề xuất cần có qui định bảo vệ quyền lợi tác giả giống lúa. Theo TS. Bảnh, vấn đề này đã được nêu ra cách đây 2 năm, tại các hội nghị toàn quốc và cấp vùng. Các vị lãnh đạo có trách nhiệm đều đồng tình, ủng hộ, nhưng cho đến nay “chưa có chuyển biến gì”.
Lúa thử nghiệm tại CLRRI |
Tác quyền cho cây lúa, tạo sao không?
Một nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ sáng tác đều được hưởng lợi bằng vật chất (ngoài giá trị tinh thần, nhân thân) từ “quyền tác giả”. Nhà khoa học – tác giả giống lúa hiện cũng rất cần được đãi ngộ tương xứng, hơn cả sự “quan tâm, chiếu cố” là việc thực thi pháp luật về Quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với giống lúa. Họ xứng đáng được như vậy. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, tại Khoản 5, Điều 4 và các điều có liên quan qui định: tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển được hưởng quyền sở hữu, được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
Thêm 7 triệu USD cho nghiên cứu giống lúa mới mỗi năm
Qui trình tạo ra một giống lúa mới thông thường mất vài năm năm, chi phí khoảng hơn 2 tỉ đồng (chưa kể giá trị chất xám của nhà khoa học, không tính được bằng tiền). Để được công nhận là giống quốc gia, cần nhiều hơn thế. Kỳ tích hạt gạo Việt Nam 25 năm qua vang xa trên thế giới mang dấu ấn sâu đậm của CLRRI. Nhiều thế hệ nhà khoa học của CLRRI đã âm thầm tạo ra 117 giống lúa mới. Viện đã chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày, đảm bảo năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, chịu mặn (trước nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng). Theo kết quả điều tra của Trung tâm giống cây trồng Trung ương, thì giống lúa của Viện đã chiếm 80% diện tích gieo trồng toàn vùng ĐBSCL và hơn 50% diện tích cả nước. Trong 10 giống lúa được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, CLRRI đóng góp 8/10 giống trong vùng ĐBSCL vả 5/10 giống đối với cả nước. Nhiều giống lúa đã được lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới ở Châu Phi, Nam Á, Myanmar, Campuchia … mang tầm quốc tế. Bên cạnh việc chuyển giao các giống mới, hàng năm CLRRI còn sản xuất và cung ứng hàng trăm tấn giống siêu nguyên chủng, hàng ngàn tấn giống nguyên chủng và xác nhận đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đưa tổng diện tích sản xuất lúa sử dụng giống đạt chuẩn của vùng ĐBSCL từ dưới 10% vào năm 1999 lên hơn 34% hiện nay. Nhờ nhóm giống lúa mới, giúp nông dân trong vùng tăng thêm vụ 3 với diện tích hơn 600 ngàn ha, sản lượng lúa tăng thêm khoảng 3 triệu tấn mội năm.
Nhiều chuyên gia của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) không khỏi trầm trồ, thán phục khi “mục sở thị” CLRRI “không thua kém gì IRRI”. Trong khi đó, CLRRI vẫn còn là một tổ chức nghiên cứu cấp vùng, chưa mang tầm quốc gia, kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học được ngân sách phân bổ hàng năm khoảng 10 tỉ đồng, chỉ bằng khoảng 3% tổng kinh phí sự nghiệp này của các đơn vị nghiên cứu trong ngành nông nghiệp (khoảng 300 tỉ đồng). Rõ ràng chưa tương xứng với đóng góp của nó. Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất chủ trương nâng cấp Viện lúa ĐBSCL từ cấp vùng lên cấp quốc gia để được đầu tư tương xứng.
Theo TS. Bảnh, nếu Viện lúa, tác giả các giống lúa được bảo hộ quyền tác giả, được “trả công” tương xứng họ bỏ ra, sẽ là kênh vốn nghiên cứu giống mới rất quan trọng. Theo tính toán của nhà khoa học này, chỉ cần trả tác quyền 1 USD/tấn gạo xuất khẩu (trị giá bình quân 500 USD/tấn), tương đương 0,2% giá bán gạo xuất khẩu. Nếu so với tiền tác quyền tương ứng của các tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật hay chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ khác vào khoảng 5-10% giá bán, thì đó chỉ là khoản chi trả ít ỏi. Hàng năm nước ta xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, thì Viện này sẽ được khoảng 7 triệu USD từ tiền tác quyền cho nghiên cứu giống mới. Nguồn này, đơn vị xuất khẩu gạo trả, không thu từ nông dân, vì Luật sở hữu trí tuệ qui định rõ, cho phép sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại, nhằm mục đích thử nghiệm …
Nhà khoa học đang đòi tác quyền cây lúa, không phải cho mình mà cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, một việc rất nên làm. Tác quyền giống lúa? Rất cần được thực thi, sao chưa được?
Nhận xét
Đăng nhận xét