HÀ NGUYÊN
Lễ khai mạc Festival lúa gạo VN lần IICư dân ĐBSCL, đặc biệt là bà con nông dân, vừa chứng kiến một sự kiện tầm cỡ quốc gia được tổ chức 2 năm một lần nhằm tôn vinh “hạt ngọc Việt” và những chủ nhân “một nắng hai sương” của nó, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các tổ chức quốc tế, các quốc gia “bạn hàng” của VN - á quân xuất khẩu gạo thế giới. Thành công của festival lúa gạo lần 2 tổ chức tại Sóc Trăng đã rõ, song để festival lần 3 thành công hơn, Trang ĐBSCL Báo Lao Động xin đăng tải bài viết do bạn đọc gửi đến:
Festival Lúa gạo VN lần II khép lại ghi nhận nhiều thành công, kể cả 2 kỷ lục mới được Sách Kỷ lục VN xác nhận: “Bản đồ VN bằng lúa gạo lớn nhất nước” và “con đường lúa gạo VN dài nhất nước”. Một sự kiện gọi là thành công nhờ sự nỗ lực hết mình của nhiều cơ quan, đơn vị tham gia, đặc biệt là của địa phương đăng cai tổ chức. Song, vẫn còn lẩn vào trong đó những “hạt sạn” mà đáng lý ra cần được nhặt ra sớm để thực khách có được bữa ăn ngon hơn.
Theo dõi trực tiếp lễ khai mạc festival, dù kiên nhẫn và bình tĩnh, nhưng rất nhiều người đã “đứng tim” khi màn hình lớn giữa sân khấu chính cứ “đứng hình”: Diễn viên đứng như “trời trồng” mặc cho camera trượt qua trượt lại trên đường ray hay camera cần câu liên tục thay đổi góc độ. Đã 3, 5, 7... phút trôi qua trong im lặng và hồi hộp. Âu cũng là do lỗi kỹ thuật rất cần được cảm thông. Nhưng tiết mục xe hoa diễu hành diễn ra trước đó thì quả là một lỗi thiết kế kịch bản rất đáng được rút kinh nghiệm.
Những người không đến được lễ khai mạc festival phải xem diễu hành qua màn ảnh nhỏ đã đành, những người lặn lội đường xa đến đây cũng buộc phải xem qua “màn ảnh lớn” vì diễu hành diễn ra... sau lưng sân khấu (!).
Kịch bản thuyết minh diễu hành cũng bị “sự cố” từ thứ tự giới thiệu các tỉnh, thành theo A, B, C thành thứ tự “tùm lum” : Xe diễu hành của Cà Mau bị gọi là Hậu Giang. Một vài nội dung thuyết minh diễu hành cũng bị sai kiến thức cơ bản khi Đồng Tháp được đặt vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có một tỉnh khác trong vùng bị “làm rộng ra” đến “hai triệu năm trăm ngàn hécta” trong khi diện tích tự nhiên toàn vùng ĐBSCL chưa đến 4 triệu hécta.
Không chỉ vậy, cách thiết kế khán đài và bố trí ghế, không gian dành cho người xem cũng “có vấn đề”. Nhiều đại biểu ngồi ghế khó thưởng thức trọn vẹn các tiết mục trên sân khấu và dưới mặt hồ, trong khi hàng ngàn “nhân vật chính” của festiaval là nông dân bị cách ly và không có được tầm nhìn do nhà thiết kế sân khấu chưa từng nghĩ tới họ để dành vị trí cho họ trong khuôn viên hồ Nước Ngọt.
Nhiều người tiếc nuối cho những cố gắng để lễ hội tôn vinh “hạt ngọc Việt” diễn ra hoành tráng, nhưng vẫn còn vài “hạt sạn” mà đúng ra không đáng có. Tôn vinh lúa gạo VN là điều nên làm, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến đấu cho an ninh lương thực toàn cầu vẫn đang nóng bỏng với gần 1 tỉ người thiếu đói và lúa gạo đang nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới. Lúa gạo không chỉ cung cấp nguồn năng lượng, chất dinh dưỡng mà cao hơn là biểu tượng của những giá trị nhân văn, là nền văn minh lúa nước nghìn năm của người Việt. Theo dõi chuỗi các sự kiện festival lần này, người ta vẫn thấy những hội thi nông dân sản xuất lúa giỏi, chương trình tôn vinh nông dân điển hình - tiên tiến – sáng tạo..., nhưng dường như phải có thêm nhiều nữa những kết quả thiết thực cho người trồng lúa. Bên cạnh thành công, đó mới là “hạt sạn” vô hình làm festival chưa được trọn vui.
Nhận xét
Đăng nhận xét