Chuyển đến nội dung chính

DẶM DÀI ĐẤT NƯỚC

Không có nhiều thời gian, phải làm từ từ để ghi lại chút kỷ niệm qua các khuôn hình, nơi mình đã đi qua trên đất nước này. Không thứ tự, lớp lang, nhớ đâu ghi đó, xuất phát từ Cần Thơ, lên Sài Gòn, xuống Cà Mau, Đất Mũi, rồi ngược ra Huế, Hà Nội, Đền Hùng, Lạng Sơn, Hạ Long, về cố đô Hoa Lư ..., những dấu chân đồng bằng trên dặm dài đất nước.
Ô Môn - quê tôi

Sông Ô Môn những năm 1960

Chợ huyện Ô Môn quê tôi xưa là vậy đó!
"Chiều về bồng bềnh trên dòng sông Ô Môn quê tôi ...". Nhạc sĩ Triều Dâng đã giới thiệu về nơi tôi sinh ra, lớn lên và đi học cả quãng đời niên thiếu. Nơi đó hiện ba, má, anh chị em tôi - những người nông dân quê vẫn bám quê sống cuộc đời bình dị ...


Cần Thơ - Tây Đô
Nhà mình chỉ cách Cần Thơ 20 Km, vốn gốc dân quê, nghèo, nên mãi dến năm 15 tuổi (1982) lần đầu tiên mình mới đặt chân đến Tây Đô cùng đội thi học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn năm đó, tá túc 1 đêm ở Trường cấp III TP. Cần Thơ (nay là trường Đoàn Thị Điểm). Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang trên bến Ninh Kiều về đi lạc trên đại lộ Hòa Bình, tiếc là thời đó chụp hình đắc đỏ, không có lấy một khuôn ảnh thời xưa ...

Bến Ninh Kiều xưa (chỗ Nhà hàng Ninh Kiều - bờ sông bi giờ)

Bến Ninh Kiều có Hàng dương xưa
Và ... Bến Ninh Kiều ngày nay

Đường phố Cần Thơ qua tranh vẽ

Đèn Ba Ngọn trên Bến Ninh Kiều

Đây là khu vực Đèn Ba Ngọn trên Bến Ninh Kiều, xưa là khu vực chợ trái cây, rau quả, hàng ăn, nằm cạnh bến tàu Cần Thơ. Dân lao động ở bên kia Xóm Chài, tiếng là người Cần Thơ nhưng mức sống cách biệt. Sáng, họ qua bên này sông mua gánh bán bưng, chiều lênh đênh con đò nhỏ về nhà mang theo ít tiền kiếm được trong ngày cho cuộc mưu sinh ... Quanh quẩn ở khu vực Đèn Ba Ngọn xưa không ít dân móc túi, cướp giựt, các tay anh chị khu vực Đèn Ba Ngọn cũng được xếp vào hàng "số má"... Có ai biết, tôi đã có những đêm ngủ ghe dưới bến Ninh Kiều, chờ phiên chợ sáng mang giỏ trái cây lên bán kiếm ít tiền, bị mấy chị bán hàng "máu mặt" "ăn hiếp" vì mất chỗ. Cũng có người ra tay "nghĩa hiệp" bênh vựt, để rồi 5 năm sau gặp lại, nhận ra nhau nhiều bỡ ngỡ. Khu vực Đèn Ba Ngọn giờ đã khang trang nằm trong phố đi bộ, là điểm mà bọn Tây và du khách rất thích lang lang đi dạo mỗi khi đến Tây Đô ...  
Sài gòn - TP HCM, đô thị lớn nhất nước

Xe tăng trong Dinh Độc Lập, TPHCM

Tuần lễ ĐBSCL 6-2010 tại TPHCM

"Đêm hội thương lái" do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức tại Nhà hát lớn TPHCM, 9-2010
Từ tỉnh lẻ Miền Tây, dù được mệnh danh Cần Thơ - Tây Đô, lần đầu tiên lên "thành phố" cuối năm 1985. Ngày đó cả nước gọi chung Sài Gòn là "thành phố", dù đô thị lớn nhất nước này vẫn còn ít xe gắn máy, ô tô, người đi lại phần đông bằng xe đạp và xe buýt "niêm mắm" do thời bao cấp còn nhiều khó khăn. Đời sống kinh tế - xã hội như còn mang trong mình những vết sẹo của cơn bão lạm phát mà nhiều chuyên gia nói lên đến 800%/năm. Ký ức Sài Gòn trong tôi về những ngày đó "Là mái phố trên đường sũng nước, lần đầu trên giữa phố chợ ngỡ ngàng. Mưa nặng hạt ào ào mặt lộ, tiếng còi xe hú vội oang oang... Sài Gòn ơi, vẫn sống trong ta, dẫu những ngày qua dần xa theo năm tháng, vẫn quanh đây một trời nhớ nhung bãng lãng. Sài Gòn xưa, … nay nỗi nhớ cồn cào. ". Sài Gòn đã ghi dấu chân ta qua 4 năm gian khổ, những đêm đi làm thuê ở ga Bình Triệu, những bữa ăn sinh viên triền miên rau muống ...
Thủ đô Hà Nội
Hà Nội - Thăng Long, thủ đô ngàn năm văn hiến, trớ trêu là mãi đến năm 2001 mình mới lần đầu tiên đặt chân đến, khi đã đi qua nhiều thủ đô các nước Bangkok, Thailand (1997), Paris, Pháp (1998), Berlin, Đức (1998), Brussel, Bỉ (1998), Luxemburg (1998). Tiếc là không giữ được một khuôn hình kỷ niệm của lần đầu tiên ấy, mãi sau này, nhiều lần ra Hà Nội, vẫn nhớ mãi lần đầu tiên ...

Mặt hồ gươm, vẫn lung linh mây trời
Tháp Rùa Hồ Gươm nguyên là một ngôi mộ (Bài trên Vietnamnet)
Huế - cố đô

Huế - nơi ghi dấu ấn hơn 200 năm vương triều Nguyễn, có lẽ là vương triều tồn tại lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với những biến cố thăng trầm công và tội: khai phá đất phương Nam, trong đó có ĐBSCL quê tôi, buộc phải ký hòa ước với Pháp, mà một thời sách giáo khoa lịch sử lứa chúng tôi học gọi là "quỳ gối dân lục tỉnh Nam Kỳ cho giặc", là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam ...
Huế lần đầu tiên tôi đến năm 2002 và sau đó nhiều lần ra, nhưng vẫn nhớ hoài lần đầu cùng anh đạp xích lô đêm vượt qua cầu Tràng Tiền, lang thang thành nội, lênh đênh nghe ca Huế trên thuyền, vào lăng tẩm các vị vua, ăn cơm hến, bún bò Huế, chè hẻm (quán chè bụi trong hẻm nhỏ). 12g đêm còn ngồi ghế cóc góc chợ Đông Ba chờ anh xích lô gặm giò gà với xị đế của khách Miền Tây tặng ngoài tiền công đạp xe và lời giới thiệu về Huế thương... Nhớ anh xích lô, kiêm hướng dẫn viên nghiệp dư nói giọng Huế rặt, giới thiệu nhiều danh lam thắng cảnh cố đô trúng và trật, ngang qua Quốc học Huế, anh bảo "Nơi đây, năm 1945, Bác Hồ đã từng học" (!).
Hoa L­ư - cố đô 2 vương triều Đinh - Lê
Tháng 9-2009, lần đầu tiên đến Hoa Lư - Tam Cốc, Ninh Bình, cố đô một thời của 2 vương triều Đinh - Lê, nơi ghi dấu một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Đinh Bộ Lĩnh - Một ông vua xuất thân từ mục đồng, có công dẹp loạn 12 sứ quân, ông vua đầu tiên đặt tên nước Việt Nam - một thời gian dài là châu, quận của phong kliến phương Bắc - là nước Đại Cồ Việt. Đã hơn 1.000 năm qua, thời gian đã xóa nhòa, vết tích kinh thành xưa không còn nữa, chỉ còn lại 2 ngôi đền vua Đinh & Vua Lê với kiến rúc na ná nhau, nghe nói đã được Lý Thái Tổ cho phục dựng sau khi Ngài dời đô về Thăng Long thành.
Lối vào Đền vua Đinh


Tam Cốc, Bích Động - Hạ Long trên cạn
14-11-09, đi một chuyến về cố đô Hoa Lư - Kinh đô một thời của 2 triều đại Đinh -Lê.
Vào đền Vua Đinh (Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh), thăm Đền Vua Lê (Lê Đại Hành - thập đạo tướng quân Lê Hoàn, nhà quân sự tài ba được Thái hậu Dương Vân Nga truyền ngôi dù không là hoàng tộc). Vùng đất, con người nơi đây, mà lúc nhỏ tôi đã được học qua những trang sử thắm đượm máu cha ông. Một thằng nhà quê ở vùng ĐBSCL, nơi cuối đất phương Nam, với lịch sử được tạo nên bởi những bậc hiền nhân "Từ thuở mang gươm đi mở cỏi/Trời nam thương nhớ đất Thăng Long" (Huỳnh Văn Nghệ), nay có dịp đặt chân đến vùng đất thiêng liêng ngàn năm lịch sử, nơi cội nguồn phương Bắc, sao lòng thấy bâng khuâng. Dấu vết kinh đô của 2 vương triều Đinh - Lê đã mất lâu lắm rồi với thời gian, hơn ngàn năm trước. Cám ơn Lý Thái Tổ đã cho dựng 2 ngôi đền Vua Đinh, Vua Lê khi quyết định dời đô về Thăng Long để con cháu Người còn định vị được vết tích kinh thành.
Một chuyến đi thuyền thú vị trên dòng Ngô Giang (3 Km) vào Tam Cốc (Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba). Tam Cốc vẫn còn nguyên nét hoang sơ. Sông Ngô len vào giữa những ngọn núi hùng vĩ, chui qua 3 hang động kỳ bí, quả là một Hạ Long trên cạn ... Người chèo đò nhà quê đưa tôi đi. Tôi không thể tưởng tượng được, nơi đây, ngàn năm trước từng là KINH ĐÔ của nước ĐẠI CỒ VIỆT (?) để hôm nay, sau hơn ngàn năm lịch sử, phủ đầy gió bụi thời gian và bao biến cố chiến tranh - hòa bình, xây dựng - tàn phá, con cháu của những cư dân "đô thành" nổi tiếng triều đại Đinh - Lê xưa lại là những người chèo đò. Người phụ nữ trạc 55, nỗi khắc khổ và quê mùa, mang đậm tính cách phụ nữ nông thôn Bắc Bộ nói với tôi: Dân trong làng còn nghèo lắm. Hết mùa gặt lúa lại sang chèo đò. Nhưng đâu được làm hàng ngày. Cả làng có đến 1.800 chiếc thuyền, nên phải luân phiên nhau (bắt số thứ tự), cứ 10 ngày đến 1 lượt chèo (được trả công 45.000 đ/chuyến đi và về hơn 6 km). Người trong làng biết nhau cả, trên đường đi đến Tam Động, gặp nhau họ chuyện trò rôm rả. Cứ hết lượt chèo đò, khi dòng Ngô Giang cạn nước, họ lại nước lo việc trồng lúa. Mùa này nước mênh mong, không có dịp ngắm nhìn những dãy lúa vàng bên dòng Ngô giang như các bức ảnh đẹp trong quảng cáo du lịch Tam Cốc ... 
Miền hoa gấm Hà Tiên
"Tôi nhớ hoài một chiều, dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ. Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ xa cách tôi còn nhớ ..." - Ca từ trong bài hát HÀ TIÊN của tác giả Lê Dinh, nghe nói là một Trung úy ngụy đã đi vào lòng bao thế hệ người Miền Tây, những du khách dù đã đến hay chưa 1 lần đến với Hà Tiên. Vậy mới biết, tình yêu thiên nhiên, đất nước con người không phân ranh giới. Nhiều cán bộ bộ cách mạng mà tôi biết vẫn thuộc làu và hát rất hay bài hát này của một tác giả đứng ở bên kia chiến tuyến.


Hà Tiên ơi, đây những bóng dừa xanh mát biển khơi
Tôi biết Hà Tiên qua bài ca đó và Hà Tiên thập cảnh qua những bài thơ của Tao Đàn Chiêu Anh Các .... Là dân Miền Tây chính gốc, nhưng mãi đến tháng 8-2010, lần đầu tiên mới đặt chân đến "thăm miền ước mơ". Nghe những mẩu chuyện của những con người từng gắn bó với vùng đất này để hiểu thêm về Hà Tiên - vùng đất ngước mặt ra biển, dựa lưng vào núi vốn được khai phá từ thời Mạc Cửu, những con người bất phục triều đình Mãn Thanh trôi dạt về xứ biển phương Nam được triều đình Nhà Nguyễn thu phục. Một cán bộ lãnh đạo, từng là người giữ vị trí cao nhất của Hà Tiên rồi Kiên Giang mời tôi ăn món bánh mì phá lấu mua  của một bà xẩm nào đó ở chợ Hà Tiên gắn liền với một câu chuyện, thực ra là một kỷ niệm của ông những ngày đầu mới giải phóng. "Ăn đi em, món này ngon lắm". Hồi mới vào tiếp quản Hà Tiên, để có tiền ăn món bánh mì phá lấu, ông dám bán chiếc Radio mà thời đó chỉ có cán bộ lãnh đạo mới có.
Hà Tiên - một thị xã nhỏ ven biến Tây lại là nơi quần cư bao đời của cả 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Các anh lãnh đạo địa phương ở đây nói, dân vẫn còn mang đậm tố chất hào sảng, phóng khoáng, ngang tàng của những con người đi phá sơn lâm, đâm hà bá xưa. Giờ có chút mai một, nhưng mươi năm trước, đến Hà Tiên hỏi nhà ông Hai, ông Ba ... ai cũng biết, không chỉ chỉ đường mà còn sai con dẫn đến tận nơi. Đám cưới, đám giỗ ... người ta luôn đi 2 bữa.     

Tôi vô thăm Thạch Động, trời bát ngát mênh mông
Thạch Động ở Hà Tiên không lớn hơn thạch động ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, dĩ nhiên không thể kỳ bí như thạch động ở Hạ Long hay Tam Cốc - Hạ Long trên cạn - ở Hoa Lư. Nhưng Thạch Động Hà Tiên có nét riêng tư, có cái hồn của biển Tây Phương Nam, gió núi miền biên ải Tây Nam ... 

Đây bến Tô Châu không quên niềm lưu luyến ... Tôi đã lang thang trong một buổi bình mình, thẩn thơ nghĩ về những bậc tiền nhân mở cõi ...


Tháng tám mưa dầm, nhưng đêm nay Hà Tiên chỉ lất phất mưa bay, cơn gió lạnh thổi vào từ biển, ... vẫn còn đó những mảnh đời lam lũ mưu sinh.


Nhưng người Hà Tiên nói chung, dường như cũng vô tư, chan hòa và thật thà như chú bé này. Vào chợ, shop mua hàng, du khách ít gặp ai nói thách. 

Vất vả cuộc mưu sinh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em trong giấc mơ …”.   Nhớ Cần Thơ phố thời bao